Hà Đông đối mặt với nạn đổ trộm phế thải

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2016 trở lại đây, các công trình xây dựng cơ bản thi công ngày càng rầm rộ, đi đôi với đó là nạn đổ trộm phế thải trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội cũng gia tăng theo.

Theo chia sẻ của đại diện phường Hà Cầu, quận Hà Đông: Thời gian qua phường phải rất vất vả trong việc ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng. Nhiều hôm tổ công tác đảm bảo trật tự đô thị và xây dựng của phường phải trực cả tối để đi kiểm tra các khu vực đổ thải. Tình trạng đổ thải xây dựng nhiều nhất tại phường là ven tuyến đường từ cổng của Khu Công viên Thể thao cây xanh của quận giáp với khu đô thị Văn Phú. Tuy nhiên, sau 23 giờ đêm khi lực lượng tuần tra nghỉ, các tài xế chở phế thải lại lợi dụng thời điểm này để hoạt động. Phường đã phải cẩu cả những ống cống khẩu lớn để ngăn chặn tình trạng này.
 Phế thải xây dựng tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội, ven đường nối từ đường Tô Hiệu đến khu đô thị Văn Phú.
Cũng giống phường Hà Cầu, phường Kiến Hưng cũng là địa bàn có nhiều công trình xây dựng cơ bản. Một số vùng đất trống chưa sử dụng đến cũng đang bị phế thải xây dựng xâm chiếm. Cụ thể, ven tuyến đường đoạn quanh vành xuyến nút giao thông Lê Trọng Tấn với khu đô thị Xa La và khu đô thị mới Thanh Hà – Cenco 5 vẫn diễn ra tình trạng đổ trộm phế thải tràn lan. Phường Kiến Hưng ngoài việc cắm các biển cấm đổ phế thải còn phải căng dây thép gai để ngăn chặn các đối tượng đổ phế thải không đúng quy định.

Trên địa bàn phường Yên Nghĩa cũng không ngoại lệ. Dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài nối từ khu đô thị Đô Nghĩa về các khu dân cư Yên Lộ. Nhiều diện tích đất trống chưa xây dựng, hoặc diện tích đất nông nghiệp đã bị đổ trộm phế thải lên.
 Phế thải xây dựng xung quanh nút giao thông Lê Trọng Tấn giáp gianh với khu đô thị mới Thanh Hà – Cenco5, phường Kiến Hưng. Phế thải mới chồng lên phế thải cũ.
 Phường Kiến Hưng phải dùng cả biển cấm và rào thép gai.
Năm 2016, và đầu năm 2017 lực lượng Cảnh sát môi trường của quận Hà Đông phối hợp với các phòng nghiệp vụ CATP, phường đã phát hiện, bắt trên 100 vụ chở đất thải, nguyên - vật liệu không che chắn để rơi vãi và đổ đất không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang tái diễn. Theo như phản ánh của một số địa phương, tình trạng đổ trộm phế thải hầu hết diễn ra sau 23 giờ đêm khi lực lượng bảo đảm trật tự đô thị của các phường đã nghỉ.

Nhiều phường đã mất vài chục triệu đến trên trăm triệu đồng mỗi năm để xử lý những đống phế thải vô tội vạ ấy. Theo như lãnh đạo của phường Phúc La, để dọn phế thải của tuyến ngõ tại tổ 16 địa phương phải mất trên 100 triệu đồng. Tình trạng  phải chi khoản kinh phí không nhỏ chỉ để dọn phế thải như trên còn có phường Hà Cầu, Kiến Hưng, Yên Nghĩa…

Ngoài một số phường có đất nông nghiệp đang được quận tập trung dọn phế thải để cải tạo đất sản xuất, trên địa bàn quận còn nhiều khu vực không phải đất nông nghiệp, chưa sử dụng đến nên rất khó đảm bảo không bị đổ trộm phế thải. Hiện nay, quận Hà Đông và các phường vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng đổ phế thải bừa bãi gây mất trật tự và mỹ quan đô thị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần