Hà Đông: Người dân nâng cao ý thức đảm bảo an toàn thực phẩm

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bồi dưỡng kiến thức cho người kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm là cách để Hà Đông hạn chế bị ngộ độc thực phẩm và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Bồi dưỡng nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm

Theo ông Nguyễn Hữu Thanh, Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông: Từ đầu năm đến nay, quận Hà Đông đã chủ động mở các bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) cho các chủ hộ, chủ doanh nghiệp và người lao động về đảm bảo các yếu tố trong chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thực phẩm.

Quận tổ chức lớp tập huấn cho các hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến ăn uống về các nội dung sử dụng nguyên liệu rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, chế biến đúng món theo đăng ký kinh doanh, đảm bảo đúng các quy định an toàn thực phẩm trong chế biến. Sau khi tổ chức tập huấn xong, chủ cơ sở sản xuất đều phải làm bài kiểm tra đánh giá chất lượng nắm nội dung về ATTP của từng cá nhân sau đó mới cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kiến thức về ATTP trong kinh doanh, dịch vụ, chế biến thực phẩm.
 Các cơ sở chế biến thực phẩm đều được tập huấn và cấp chứng nhận ATTP.
Từ đầu năm 2017 đến nay, quận Hà Đông đã tổ chức tập huấn ATTP cho bà con kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ ATTP tại các chợ trên địa bàn 6 phường với gần 500 lượt hộ kinh doanh tham gia. Cùng với đó, các bếp ăn tập thể, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo đều được quận tổ chức tuyên truyền kiến thức về ATTP. Tổng số các hiệu trưởng, chủ cơ sở được tập huấn trên 300 người đạt 100% các trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Y Tế quận Hà Đông, điểm mới trong công tác tập huấn đối với các bếp ăn tập thể và nhà trường thực hiện đúng 3 bước, đó là: Các cơ sở nắm chắc đầu vào nguồn thực phẩm bao gồm nhà cung cấp nguyên liệu, địa chỉ cung cấp, hạn sử dụng; kiểm tra và lên kế hoạch bữa ăn trước khi chế biến bao gồm số lượng món ăn, chế biến món gì, người chế biến, trang thiết bị chế biến, khu vực sơ chế có đảm bảo không; kiểm tra trước khi chuyển món ăn đến người sử dụng, thời gian nấu đến khi ăn, ủ, hấp lại thức ăn ngăn côn trùng gây bệnh và lưu mẫu thực phẩm.
 Thực phẩm chế biến xong được bọc trong màng bọc thực phẩm tránh nhiễm khuẩn.
Riêng đối với các nhà trường, ngay từ tháng 3 quận đã yêu cầu cung cấp hồ sơ nhà cung cấp thực phẩm. Người phụ trách bếp ăn. Qua kiểm tra hồ sơ và đối chiếu kiểm tra thực tế quận thấy còn điểm nào chưa đạt sẽ yêu cầu bổ sung về hồ sơ, cũng như chấn chỉnh nguồn thực phẩm đầu vào. Sau khi các học sinh vào học quận còn tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng bữa ăn xem có đủ điều kiện về dinh dưỡng trong nhà trường.

Xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm

Cùng với phổ biến kiến thức, thời gian qua các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Đông đã thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về ATTP, nhất là vào các dịp lễ, tết, trung thu, Quốc khánh 2/9 …. Chỉ riêng 1 tháng phục Tết Trung thu vừa qua, quận Hà Đông đã kiểm tra 74 cơ sở kinh doanh bánh trung thu và 4 cơ sở sản xuất bánh trung thu. Quận đã xử phạt hành chính 3 cơ sở không đảm báo yêu cầu về ATTT, mức phạt 12.000 đồng; yêu cầu 8 cửa hàng kinh doanh bổ sung đẩy đủ hồ sơ báo cáo về nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm; 4 cơ sở thiếu giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Ngoài kiểm tra sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, các cơ quan chuyên môn của quận tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phường. 17/17 phường đều thành lập đoàn thanh tra đi kiểm tra các chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhằm chấn chỉnh những đơn vị không đủ điều kiện kinh doanh ATTP về hồ sơ pháp lý, vệ sinh hàng quán, quy trình sản xuất chế biến, sổ sách ghi chép nguyên liệu đầu vào, ngày sản xuất, chế biến và thời hạn sử dụng…
 Thực phẩm để trong tủ kính và trong hộp thực phẩm.
Cùng với đó, quận đã đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa quy trình trong việc cấp các hồ sơ hành chính. Các thủ tục chỉ cần chủ cơ sở gửi đến bộ phận nhận và trả kết quả1 cửa của quận. Tại đây, đúng hẹn là chủ cơ sở kinh doanh, chế biến là có thể nhận được hồ sơ kinh doanh, chế biến trong lĩnh vực thực phẩm mà không cần phải đi lại nhiều lần.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn quận, nhìn chung năm nay do quận tập trung công tác bồi dưỡng kiến thức về ATTP, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh ATTP nên hầu hết các chủ cơ sở chế biến thực phẩm đều nâng cao nhận thức, nắm chắc các quy định về ATTP, như: Cơ bản cung cấp đầy đủ các hồ sơ, hợp đồng nguồn gốc mua bán hàng hóa, thực phẩm, xác nhận kiến thức của người quản lý và nhân viên kinh doanh, dịch vụ; điều kiện vệ sinh ATTP; và kiểm tra lưu mẫu thực phẩm thành phẩm. Nhờ đó, trên địa bàn quận chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần