Hà Đông tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng

Bài, ảnh: Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, quận Hà Đông đã có hơn 40 dự án (DA) hoàn thành GPMB, thu hồi đất.

Hoạt động này thể hiện sự đồng thuận của Nhân dân và chính quyền trong xây dựng đô thị, phát triển kinh tế, xã hội.

Xử lý dứt điểm những tồn đọng
Theo đó, quận đã tập trung nhiều giải pháp trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB nhiều DA mới và chuyển tiếp từ năm trước. Quá trình thực hiện, đa số người dân đồng thuận cao, chấp hành việc bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ thuộc 4 DA chưa đồng thuận nên phải tổ chức cưỡng chế tại các phường Kiến Hưng, Hà Cầu, Phú Lãm, Dương Nội. Theo ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, hầu hết những vụ cưỡng chế, thu hồi đất cho các DA đều có thời gian thực hiện khoảng 10 năm trở lên. Nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Chủ yếu do các hộ cố tình không chấp hành, có đơn thư khiếu kiện không nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Mặt khác, hệ thống bản đồ, sổ sách quản lý về đất đai trên địa bàn quận chưa đầy đủ, việc cập nhật và chỉnh lý biến động chưa kịp thời cũng là một khó khăn. Do đó, việc GPMB phải chờ kết quả giải quyết đơn thư theo đúng trình tự của các cơ quan chức năng.

Cưỡng chế tại khu đất Dự án Trạm cấp nước số 3 phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Ông Nguyễn Bá Huỳnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Phú Lãm cho biết, do lịch sử để lại từ chính quyền thời gian trước buông lỏng quản lý nên một số hộ chuyển dịch mục đích một số diện tích đất nông nghiệp và bán cho đối tượng khác. Khi Nhà nước thu hồi đất cho DA thì những hộ này đòi được hỗ trợ, bồi thường cao hơn đất nông nghiệp. Đối với phường đã vận dụng hết các chính sách của Nhà nước để người dân có quyền lợi cao nhất nhưng vẫn diễn ra sự so bì với các hộ khác.
Thiệt hại lớn khi phải cưỡng chế
Theo ông Xuân, việc phải tổ chức cưỡng chế thu hồi đất là biện pháp cuối cùng theo quy định của pháp luật. Hầu hết các dự án này đều có thời gian triển khai hơn 10 năm. Tuy nhiên, việc phải thực hiện cưỡng chế sẽ gây thiệt hại lớn cho cả người dân và chính quyền. Ảnh hưởng trực tiếp là người có đất bị thu hồi. Đó là nguồn kinh phí bồi thường gia đình được hưởng tại thời điểm phê duyệt phương án đến nay cả chục năm không có lãi suất ngân hàng. Theo luật, số kinh phí này được tạm giữ tại Kho bạc nên gia đình không chủ động được sử dụng nguồn kinh phí để phát triển sản xuất, kinh tế dẫn tới ảnh hưởng nguồn thu hàng năm. Cùng với đó là việc công trình chậm đưa vào sử dụng khiến phát sinh kinh phí đầu tư hạ tầng, kỹ thuật dự án, tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự cũng bị ảnh hưởng nhất định.
Để những DA này sớm đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho cả Nhà nước và Nhân dân, quận Hà Đông chú trọng giải pháp tuyên truyền động viên, phát huy vai trò làm chủ của người dân. Quận cũng khuyến cáo người dân có đất bị thu hồi cần nghiên cứu kỹ các chính sách của Nhà nước để chủ động phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, cần nghiêm túc tuân thủ pháp luật, không nên cố tình chây ì để chính quyền phải áp dụng biện pháp cưỡng chế sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình. Việc trì hoãn nhận tiền kể từ thời điểm phương án bồi thường được phê duyệt sẽ dẫn đến hậu quả là người dân bị thiệt hại. 
Giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, UBND quận Hà Đông tiếp tục thực hiện GPMB nhiều DA khác. Trong đó có những DA trọng điểm của TP như Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, trục phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); đất dịch vụ Kiến Hưng, Phú Lương, đường Ngô Quyền, khu đô thị mới Văn Phú, lối vào khu đất dịch vụ của Dương Nội, La Khê, Hà Cầu, Đồng Mai…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần