Thu gom rác ở Hà Đông gặp nhiều trở ngại

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Kể từ khi thực hiện đấu thầu thu gom rác, Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã rất cố gắng không để người lao động giảm thu nhập và giữ chân họ lại”, đó là chia sẻ của ông Phạm Trung Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Hà Đông.

Tuyến đường để rất nhiều xe ô tô khiến việc quét dọn rác bằng xe khó thực hiện.

Bất cập trong định giá các khâu thu gom rác

Mỗi ngày Hà Đông thu gom 340 tấn rác thải. Theo hợp đồng đấu thầu, Công ty CP Môi trường Đô thị (MTĐT) Hà Đông thu gom 240 tấn rác trên địa bàn 12 phường và Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân) thu gom 100 tấn rác thải trên địa bàn 5 phường.

Sau khi đấu thầu, Công ty MTĐT Hà Đông bàn giao địa bàn 5 phường và khoảng 70 cán bộ, nhân viên quản lý thu gom rác cho Công ty Minh Quân. Hiện tại, Công ty MTĐT Hà Đông đang sử dụng gần 600 lao động làm vệ sinh môi trường trên địa bàn 12 phường.
Những chiếc cầu dẫn lên hè, nếu quét bằng máy sẽ không sạch mà phải kết hợp làm thủ công.
Theo ông Phạm Trung Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần MTĐT Hà Đông: Sau khi thực hiện bàn giao hoạt động quản lý điện chiếu sáng cho Công ty Điện lực và cây xanh trên địa bàn Hà Đông sang Công ty Công viên Cây xanh, Công ty vẫn phải đảm bảo việc làm, đời sống cho cán bộ, công nhân viên trong công ty.
Việc làm giảm so với trước đây, nhưng Công ty không dám cắt giảm thu nhập của người lao động trực tiếp. Với một người chở xe rác cả ngày và làm nhiều vào ban đêm, với thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/người. Nếu Công ty cắt giảm thu nhập của họ thì sẽ có nhiều người bỏ việc. Để cắt giảm chi phí, Ban lãnh đạo Công ty đã cắt giảm 20% thu nhập của lãnh đạo công ty, tiết giảm các chi phí hành chính không cần thiết.
Rất nhiều chiếc cầu dẫn lên đường khó dọn bằng máy, còn người dân bán hàng thường xuyên xả rác xuống đường.
Khó khăn nhất của Công ty hiện nay là các chi phí nhiên liệu tăng, vẫn phải chi phí đầu tư trang thiết bị máy móc và còn một số thiết bị phải nhập khẩu vì không có tại Việt Nam. Tuy nhiên, đơn giá định mức được duyệt từ đầu năm 2016 đến nay vẫn chưa thay đổi. Một số công đoạn thu gom rác trong quy trình thì không có đơn giá, cụ thể: Hiện nay Công ty quản lý 12 nhà vệ sinh, nhưng chưa có đơn giá dọn rửa, quản lý. Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn Hà Nội nói chung và Hà Đông nói riêng đều chưa được đồng bộ để đưa máy vào dọn quét rác 100% diện tích đường, như: Đậu đỗ ô tô, xe máy tràn lan, bậc lên xuống giữa lòng hè đường không đồng bộ buộc người dân phải đặt cầu lên xuống, khiến chổi của xe quét rác không thể dọn được. Do đó, nhiều tuyến vẫn phải kết hợp giữa dọn bằng xe và kết hợp quét dọn thủ công. Thế nhưng, đơn giá dọn rác theo quy định chỉ có dành cho xe mà không có dọn thủ công. Chi phí của DN vẫn phải trả cho 2 loại hình dọn rác, nhưng chỉ được tính 1 loại.

Ý thức của người dân làm tăng chi phí

Theo chia sẻ của một chị công nhân Công ty Minh Quân, dọn rác tại phường Biên Giang, Hà Đông: Hàng ngày chị phải bắt đầu công việc từ 3 giờ chiều cho đến 7-8 giờ tối, khi các xe thu gom rác chuyên chở rác đi. Trên Quốc lộ 6, người công nhân phải chia ca ra để đi dọn hàng ngày, phủ kín thời gian.
Ảnh chụp lúc hơn 9 giờ sáng, nhiều túi rác đã vứt khắp các vỉa hè. Vào buổi tổi tuyến đường này mới được dọn xong.
Một anh công nhân dọn rác tại phường Văn Quán chia sẻ: Mỗi phường yêu cầu 1 giờ thu gom rác khác nhau, vì nơi có trường học và nơi không có trường học. Nói chung người dân ý thức bảo vệ môi trường còn quá kém. Mặc dù, Văn Quán là khu đô thị mới, nhưng ý thức của nhiều gia đình ở đây cũng ở trong tình trạng đó. Họp phường và tổ dân phố Công ty Môi trường cũng thông báo giờ thu gom rác, nhưng người dân không vứt rác đúng giờ. Hiện tại một số người vẫn phải thu gom rác đến 12 giờ đêm.
 Công nhân Công ty Minh Quân dọn rác tại tuyến đường Quốc lộ 6, trên địa bàn phường Biên Giang. Những nơi có hạ tầng không đồng bộ phải kết hợp giữ dọn bằng xe và thủ công. nhưng công đoạn thủ công không có đơn giá.
Ông Phạm Trung Thành cho biết: Do Hà Đông có nhiều địa phương từ xã lên phường, ý thức của nhiều người dân vẫn còn quen với việc xả rác bừa bãi. Thậm chí có thùng rác để cách đó không xa, nhưng họ không đem bỏ vào mà bỏ ngay xuống đường. Công ty đã khoán tuyến đường cho công nhân, do vậy họ phải đảm bảo đường - hè luôn sạch. Như vậy, không còn cách nào khác là họ phải mất nhiều thời gian quét dọn trong ngày. Nếu dọn vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày thì Công ty chỉ cần 1 công nhân trên 1 quãng đường nhất định. Khi dọn cả ngày tới tối muộn thì Công ty phải bố trí 2-3 người dọn vệ sinh cho 1 quãng đường nhất định. Điều này đã làm tăng chi phí cho công ty cả về nhiên liệu chạy xe và lương nhân công lao động.

Như vậy, việc nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường là rất cần thiết. Nếu thành phố có quy định vào một khung giờ thu gom rác sẽ tạo điều kiện cho DN tiết giảm chi phí nhân công, nguyên liệu và tăng thu nhập cho người lao động.