Hạ giải Nhà thờ Bùi Chu: Dừng lại và lắng nghe

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin nhà thờ Bùi Chu (Nam Định, xây dựng năm 1885) sẽ bị hạ giải vào ngày 13/5 do xuống cấp để xây dựng nhà thờ mới khiến nhiều kiến trúc sư và chuyên gia văn hóa lo lắng, xót xa.

Nguy cơ bị xóa bỏ
Trong thông tin đăng tải trên website của Giáo phận Bùi Chu (gpbuichu.org) của tác giả Giuse Văn Nhân tiêu đề “Lễ Truyền đầu năm nay được tổ chức ở đâu?” đã thông tin: “Theo dự kiến của Đức cha, nhà thờ Chính Tòa sẽ được hạ giải vào ngày 13/5/2019. Do đó, có thể nói đây là lần cuối cùng các tín hữu sẽ được dự lễ tại nhà thờ Chính Tòa cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm”.
 Nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Zing.
Thông tin trên ngay sau khi thông tin trên được đăng tải, ngày 29/4, ông Martin Rama (cố vấn cao cấp Ngân hàng thế giới và Giám đốc dự án tại Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã gửi một bức thư tới Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Vũ Văn Thiên và Giám mục Giáo phận Bùi Chu Vũ Đình Hiệu.
Trong thư, ông Martin Rama viết: “Tôi hiểu rất rõ lý do để thay thế những tòa nhà cũ này. Cải tạo chúng sẽ rất tốn kém. Với sự lâu đời và tình trạng hư hỏng tồi tệ, có nguy cơ dầm hoặc vữa rơi xuống từ trần nhà có thể khiến hàng loạt giáo dân vô tội cầu nguyện trong nhà thờ bị thương, thậm chí thiệt mạng. Chính phủ thì không cung cấp các nguồn lực để chăm sóc đúng cách cho các tòa kiến trúc già nua này và không có sẵn đất ở gần đó để xây dựng các công trình mới. Bên cạnh đó, hầu hết nhà thờ không có mặt trong danh sách di sản cần được bảo vệ, và do đó, Giáo hội Công giáo có quyền hợp pháp để loại bỏ chúng”.
Nhà thờ Bùi Chu xây dựng năm 1881 và hoàn thành năm 1885 và đã trải qua 2 lần tu sửa vào năm 1974 và năm 2000. Kiến trúc nhà thờ có những hình ovan 3 lá trên trần là biến thể của Thiên chúa giáo. Hìn ảnh kết hối ba hình ovan vừa thể hiện đường nét ba rốc cổ kính vừa thể hiện nét phương đông tạo ra không gian đa dạng, phù hợp với nơi chốn mà nó tồn tại. Trần nhà thờ chủ yếu làm bằng vật liệu địa phương trong đó có dùng vôi rơm tạo những vòm cong thoáng nhẹ, phù hợp với khí hậu nhiệt đới miền Bắc, công trình thích nghi với khí hậu địa phương, tồn tại 135 năm qua. Ngay tại gian giữa, có tượng Đức Mẹ cho con bú. Đức Mẹ bồng con ngồi trên võng tía, võng được móc vào hai cây trúc sơn son thếp vàng, đây là một bức tượng có một không hai ở Việt Nam.
Theo “Đơn đề nghị giữ lại nhà thờ Bùi Chu” của các Kiến trúc sư Việt Nam
Ông Martin Rama cho rằng việc làm này là đúng nhưng lo sợ lịch sử sẽ không nhìn nhận đúng đắn với quyết định này. Thậm chí, sau vụ việc hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà (Paris, Pháp) thì việc phá hủy nhà thờ Bùi Chu có thể gặp phải sự hoài nghi, thậm chí là tức giận.
“Tôi sợ rằng việc phá hủy nhà thờ chính tòa Bùi Chu cũng sẽ bị cả thế giới theo dõi với nỗi thống khổ. Bởi lần này sự mất mát sẽ không phải là một tai nạn bi thảm, mà là một hành động phá hủy có chủ ý” - ông Martin Rama viết.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, một cha xứ của giáo phận Bùi Chu đã xác nhận nhà thờ sẽ được hạ giải để xây công trình mới có hình dạng như công trình cũ, chỉ thay đổi vật liệu cho bền hơn, bởi nhà thờ đã xuống cấp và chật hẹp so với nhu cầu của lượng giáo dân ngày càng tăng lên.
Vị linh mục này cũng cho rằng đây là việc của nhà thờ và giáo dân, không cần thiết trả lời trên báo chí. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường (Nam Định) Đặng Ngọc Cường cũng xác nhận nhà thờ đã khởi công làm mộc từ mấy tháng nay, kế hoạch là trong tháng 5 sẽ hạ giải nhà thờ cũ để xây nhà thờ mới trên nền cũ, cơ bản như thiết kế của nhà thờ cũ.
Theo ông Cường, từ năm 2016, các cha xứ ở Tòa giám mục Bùi Chu đã làm thủ tục xin cấp phép xây dựng, nhưng do quá trình chuẩn bị chưa kịp nên chưa làm được ngay. Năm 2018, họ xin gia hạn cấp phép xây dựng và Sở Xây dựng tỉnh Nam Định đã chấp thuận.
“Nhà thờ xuống cấp nhiều lắm rồi, mái sắp sập, tường nứt, cột thì rỗng. Chủ trương xây dựng lại nhà thờ này đã có từ nhiều năm nay. Họ đã làm đúng quy định chứ không có vấn đề gì ở đây. Nhà thờ đã trên 130 năm tuổi thì làm gì có cái gì không xuống cấp nữa. Nhà thờ là nơi sinh hoạt công cộng mà mái có nguy cơ bị sập thì người ta phải làm thôi” - ông Cường cho hay.
Cầu cứu di sản kiến trúc
Trước sự việc nhà thờ Bùi Chu có nguy cơ bị hạ giải vào ngày 13/5 tới, hơn 20 kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã soạn “đơn đề nghị cứu xét” đề nghị xem xét can thiệp giữ nhà thờ Bùi Chu. Trong đơn này có khẳng định rõ giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của nhà thờ Bùi Chu.
Theo các kiến trúc sư, nhà thờ chính tòa Bùi Chu - Nam Định được xây dựng hoàn thành năm 1885 thực sự là một di sản Kiến trúc nghệ thuật và văn hóa, được cha ông từ đời trước dày công tạo dựng một tác phẩm kiến trúc độc đáo không có nơi nào ở Việt Nam có được, thuộc hàng di sản văn hóa quốc gia bởi nó chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, xã hội.
Qua thông báo của giám mục Vũ Đình Hiệu, công trình sẽ đại tu vào ngày 13/5/2019. Nhưng qua khảo sát và đọc bản vẽ các KTS nhận thấy không phải như vậy, đây là việc đập bỏ di sản để xây dựng công trình mới với hình thức và quy mô khác lạ di sản hiện có: Khung gỗ và bước cột hoàn toàn khác với hiện trang công trình. Đồng thời các cột gỗ hoàn toàn được làm mới và đã được thi công ngay bên cạnh công trình. Tại công trường và theo bản vẽ thiết kế mới mà nhóm có được, công trình đang được thực hiện xây mới.
Kiến trúc bên trong nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Zing
Trước thực tế trên, một nhóm kiến trúc sư đã trực tiếp đến khảo sát tại nhà thờ Bùi Chu trong hai ngày 29 và 30/4. Họ đã kết luận công trình chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc nhưng kết cấu khung chịu lực còn tốt, đảm bảo khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm. Ngoài ra, chuyện tường ngoài nhà rêu mốc vì lâu năm không được tu sửa là việc có thể khắc phục đơn giản.
Giải pháp cứu nhà thờ
Về giải pháp trước mắt để giữ lại nhà thờ Bùi Chu trước nguy cơ bị hạ giải, trong đơn đề nghị cứu xét của 20 KTS có viết: “Nhà thờ chính tòa Bùi Chu - Nam Định này đang thực sự trong cơn hấp hối, chỉ còn 12 ngày nữa sẽ bị phá dỡ, Thủ tướng Chính phủ là người yêu di sản, chúng tôi khẩn thiết trình Thủ tướng xem xét, giao Bộ VHTT&DL cùng các chuyên gia đánh giá, nếu đủ điều kiện thì triển khai xếp hạng di sản. Và trước mắt, giao UBND tỉnh Nam Định tạm dừng việc triển khai xây dựng công trình mới, chờ quyết định chỉ đạo của Thủ tướng”.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản: Nhà thờ Bùi Chu là phần quan trọng của lịch sử đất nước, nhu cầu mở rộng và để phục vụ việc làm lễ của đồng bào giáo dân là chính đáng. Tuy nhiên về việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu, Nhà nước cần chung tay, có giải pháp hỗ trợ như cấp đất đáp ứng nhu cầu xây dựng của giáo dân, phù hợp với nhu cầu làm lễ. Như vậy, nhà thờ Bùi Chu vẫn được giữ lại để trùng tu, và giáo dân vẫn có thể tham dự lễ nhỏ nếu đảm bảo an toàn, đồng thời giữ lại di sản kiến trúc”.
Hiện vật tại nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Zing
Về quan điểm về vấn đề bảo tồn nhà thờ Bùi Chu, TS Trần Trọng Dương - Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ, Nhà thờ Bùi Chu bản thân đã là di sản, không cần ai công nhận mới trở thành di sản. Nhà nước nên cấp 1 khu đất mới (gần đó) để Giáo xứ Bùi Chu có thể xây một nhà thờ mới đảm bảo an toàn cho giáo dân, và nhu cầu của giáo xứ. Xây dựng 1 dự án trùng tu nhà thờ cũ (1885) theo chuẩn quốc tế (mời các chuyên gia của nước ngoài Pháp - Đức tư vấn). Làm như vậy vừa đảm bảo an toàn cho con người vừa đảm bảo việc bảo tồn - trùng tu di sản; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; vừa ghi điểm trong con mắt của bạn bè quốc tế; tạo vốn niềm tin của Nhân dân.

Có lẽ không có một nhà thờ nào trong số các nhà thờ Công giáo ở miền Bắc Việt Nam tự mình có đủ điều kiện là di sản thế giới. Nhưng khi liên kết với nhau thành một mạch, chúng là một chuỗi thực sự độc đáo trên phạm vi toàn cầu. Những công trình tuyệt đẹp này kết hợp kiến trúc Pháp từ thời Beaux Arts với những nét chạm khắc rõ nét của Việt Nam, bao gồm các cột gỗ và trang trí bằng vữa gợi nhớ đến những ngôi chùa truyền thống. Những nhà thờ này có thể là một phần của một mạch du lịch rất thành công, mang lại việc làm và thu nhập cho người dân địa phương

Ông Martin Rama (cố vấn cao cấp Ngân hàng thế giới và Giám đốc dự án tại Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

“Khi hạ giải, phục dựng lại một di tích, chúng ta cần phải nhận diện giá trị của nó. Nhận diện giá trị là yêu cầu quan trọng, bài học của nhiều nơi trong thời gian vừa qua. Trong các mục tiêu bảo tồn không chỉ giữ gìn phong cách mà còn cả những tư liệu và vật liệu truyền thống” 

KTS Đào Ngọc Nghiêm