Hà Nội: 12 lao động tự do hết tiền ăn, trốn đi bộ về Yên Bái, được Tổ Cơ động giúp đỡ

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 12 lao động tự do, trong đó có gia đình gồm cả bố, con trai, con dâu vì hết tiền sinh sống do thất nghiệp mùa dịch đã quyết định đi bộ từ Hà Nội về Yên Bái. May mắn trên đường đi họ được Tổ Cơ động xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) phát hiện, cho test Covid-19 rồi bố trí chỗ ăn ở tránh dịch.

Thiếu tiền, phải bán điện thoại lấy kinh phí mua đồ ăn
Trường Mầm non Cát Quế A nằm trên địa bàn xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) là nơi có 12 lao động tự do ngoại tỉnh đi lang thang đang sinh sống. Họ đều quê ở Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái xuống phường Quang Trung (quận Hà Đông) làm xây dựng được ít ngày ngày thì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Thế nhưng ông chủ nhà lại bỏ mặc những người lao động (NLĐ) ngoại tỉnh tá túc trong công trình xây dựng dang dở.
Trong lúc khó khăn, tiền không có, lương thực thực phẩm cạn kiệt, nhóm thợ ngoại tỉnh được phường Quang Trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, số lao động đông, nghỉ giãn cách hơn một tháng, không thu nhập nên nguồn sống cạn kiệt, 2 người trong nhóm phải bán điện thoại lấy tiền mua đồ ăn. Trước nguy cơ chết đói, nhóm lao động tự do ngoại tỉnh bị kẹt lại Hà Nội đành phải đi bộ về quê Yên Bái.
 Những người lao động ngoại tỉnh được bố trí chỗ ở tiện nghi, ngày được ăn 3 bữa đảm bảo chất dinh dưỡng.
“Khi chúng tôi đi bộ qua xã Cát Quế thì bị Tổ Cơ động phát hiện và được đưa đi test Covid-19, dẫn về trường mầm non bố trí chỗ ở, lo ăn uống đến khi hết giãn cách xã hội sẽ chở về quê. Hằng ngày chúng tôi được lo ăn 3 bữa, 1 bữa sáng là mỳ tôm và 2 bữa chính có cơm với thịt, rau, trứng, cá. Chỗ ngủ nghỉ ở đây thoải mái, trong phòng đều có quạt, điện, nước đầy đủ”- ông Hoàng Văn Tuyên cùng con trai, con dâu và 9 lao động khác đang cư trú ở đây, bộc bạch.
Ở căn phòng bên cũng thoáng rộng là nơi cư trú của 5 lao động nữ ngoại tỉnh. Mỗi người đều được bố trí chỗ ngủ, nghỉ đàng hoàng nhưng không khỏi lo lắng về quê nhà – nơi có người thân đang sinh sống. Chị Đường Thị Tĩnh - dân tộc Thái, mới 32 tuổi nhưng đã có con trai 15 tuổi, thoáng vẻ đượm buồn giãi bày: “Gia đình hoàn cảnh lắm, con lớn bệnh máu trắng; cháu bé thứ hai mới được 14 tháng tuổi. Vì nợ tiền nhiều, vợ chồng tôi đành phải gửi con cho ông bác để xuống Hà Nội làm xây dựng lấy tiền trả nợ và nuôi con nhưng gần 2 tháng nay nghỉ dịch không kiếm ra đồng nào. Tối qua tôi gọi điện về nhà, con lớn kêu đau đầu không có máu truyền, khiến lòng tôi xót xa quá”.
 Các suất ăn được để bên ngoài hành làng phòng tạm trú và các lao động ngoại tỉnh ra lấy đảm bảo đi giãn cách.
Nhưng điều an ủi và động viên chị Tĩnh và mọi người là cuộc sống ở nơi đây rất tốt. Hằng ngày lãnh đạo xã Cát Quế lo cho các lao động ngoại tỉnh ăn uống, trang cấp đồ sinh hoạt cá nhân. “Tôi xúc động lắm khi mỗi lần các bác mang đồ ăn đến đều hỏi thăm, động viên chúng tôi không thức khuya, giữ gìn sức khỏe, cố gắng ăn hết suất cơm để hết giãn cách sẽ được về nhà” – chị Đường Thị Tĩnh chia sẻ.
Không để người dân, người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc quan tâm chăm lo cho người dân, lao động tự do gặp khó khăn, trong đó có nhóm 12 lao động ngoại tỉnh quê ở Yên Bái, Bí thư Đảng ủy xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) Nguyễn Tự Bính cho biết: Vào lúc 00 giờ 30 phút ngày 23/8/2021, Tổ Cơ động xã đang làm nhiệm vụ thì bắt gặp 12 lao động ngoại tỉnh đi bộ ở khu vực đê. Ngay sau đó, chúng tôi và Tổ cơ động đưa nhóm thợ xây dựng được vào Trạm y tế xã test Covid. Và, sau khi xin ý kiến của lãnh đạo huyện, chúng tôi bố trí cho họ chỗ tạm trú trong trường Mầm non Cát Quế A – nơi được dự tính làm khu cách ly.

"Khi chúng tôi ăn suất ăn như thế nào thì cũng cho họ ăn như vậy để đảm bảo sức khỏe phòng chống dịch” – ông Nguyễn Tự Bính - Bí thư Đảng ủy xã Cát Quế, huyện Hoài Đức cho hay.
“12 lao động tự do quê Yên Bái gồm 5 nữ và 7 nam được bố trí ở trong 2 phòng có tiện nghi đàng hoàng, vệ sinh khép kín. Trong quá trình họ sinh sống ở đây, mỗi ngày họ được cung cấp 3 bữa ăn, cơm suất đầy đủ dinh dưỡng giống như phần ăn của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi còn cấp kem đánh răng, dầu gội đầu, bột giặt,... để họ tắm rửa giữ gìn vệ sinh và sát khuẩn. Theo chỉ đạo của huyện, chúng tôi bố trí cho những người lao động ngoại tỉnh ở đây đến hết giãn cách thì đưa họ về quê” – ông Nguyễn Tự Bính cho hay.
Đồng thời ông Tự Bính cho biết, thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ cho 2 nhóm thợ xây dựng khác và 1 nhóm công nhân bốc vác hàng hóa với tổng số khoảng 50 người. Mỗi nhóm đã được hỗ trợ 50 kg gạo và các nhu yếu phẩm khác như trứng... Thi thoảng tôi có xuống kiểm tra cuộc sống của họ và căn dặn nếu gặp khó khăn gì thì cứ điện thoại cho chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
 Hằng ngày các Chi hội Phụ nữ xã Cát Quế nấu ăn cho các thành viên tham gia chốt trực, Sở Chỉ huy và nấu luôn cho cả 12 lao động ngoại tỉnh đang được bố trí ở trường Mầm non Cát Quế A. 
Chia sẻ về việc huyện Hoài Đức hỗ trợ cho lao động ngoại tỉnh bị kẹt lại Hà Nội gặp nhiều khó khăn về chỗ ở, nguồn lương thực thực phẩm duy trì sự sống, Trưởng phòng lĐTB&XH Hoài Đức Bùi Thu Hương cho biết: Ngày 16/8/2021, UBND huyện Hoài Đức đã có văn bản yêu cầu Ủy ban MTTQ huyện, phòng LĐTB&XH huyện và UBND các xã, thị trấn hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Trong đó, UBND huyện Hoài Đức yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chăm lo cho, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 không có nơi cư trú trên địa bàn.
Và, tính đến ngày 5/9/2021, toàn huyện Hoài Đức đã hỗ trợ cho 9.788 lao động tự do ngoại tỉnh. Trong đó, các xã, thị trấn đã bố trí chỗ tạm trú cho 819 người lao động tự do ngoại tỉnh không có nơi tạm trú (đặc biệt có 12 người lang thang đi đến địa bàn xã Cát Quế; 6 người đi lang thang đến địa bàn Thị trấn Trạm Trôi; 1 người đi lang thang đến địa bàn xã An Thượng). Ngoài ra, huyện Hoài Đức và các xã, thị trấn còn hỗ trợ cho lao động ngoại tỉnh 15.700.000 đồng tiền mặt và hiện vật là 20 tấn gạo, 2.000 thùng mì tôm, 2 tấn rau, thịt, trứng, lạc, dầu ăn, nước mắm các loại.
Bà Bùi Thu Hương cũng cho biết, trong thời gian tới, các xã, thị trấn tiếp tục rà soát nếu phát hiện trường hợp người dân, người lao động tự do, lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm hay không có nơi cư trú sẽ được hỗ trợ kịp thời để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19 này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần