Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển: Biến cam kết thành hành động

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội phát triển không chỉ riêng cho Hà Nội mà lan tỏa cho cả vùng kinh tế, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính vì mang trong mình sứ mệnh lớn lao, nên kỳ vọng vào Hà Nội cũng rất lớn. Tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh, TP phấn đấu sẽ thực hiện 100% các dự án được trao chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của TP...

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho các dự án.
Hà Nội là một trong số không nhiều Thủ đô đã làm tốt nhất công tác đại dịch Covid-19, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới, để bước vào tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Đại diện nhiều DN cho rằng, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với du lịch và đầu tư. Việt Nam không chỉ có lợi thế về ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn lao động giá rẻ, mà đang có công cụ quảng bá khá tốt hiện nay sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Thách thức đối với Hà Nội hiện nay là làm thế nào để biến cơ hội thành hiện thực.
Hà Nội đã cho thấy rất nỗ lực và đúng hướng nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là có nhiều hành động rất tích cực để bảo vệ môi trường, xử lý các vấn đề ô nhiễm không khí, phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân... Ngoài xây dựng môi trường pháp lý phù hợp, tiếp tục nâng cao chất lượng sống tại Hà Nội, đưa TP ngày càng trở thành nơi đáng sống và tươi đẹp hơn.
Tại Hội nghị Đầu tư lần này, Hà Nội đón 17,6 tỷ USD đầu tư vào 229 dự án, đồng thời ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 28,6 tỷ USD. Đây là những dự án có chất lượng đầu tư cao, sau khi thực hiện sẽ tạo bước phát triển đột phá cho Hà Nội. Tuy nhiên, để thực hiện thành công các dự án, tận dụng làn sóng đầu tư mới và lan tỏa làn sóng này ra cả nước mới là quan trọng, đồng thời đón đầu làn sóng đầu tư thế hệ mới cho những năm tiếp theo.
Để thực hiện mục tiêu, chắc chắn Hà Nội sẽ còn rất nhiều việc phải làm, các nhà đầu tư mong muốn, Hà Nội cần tích cực hỗ trợ, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Xây dựng hệ thống thuế, kiểm toán tốt hơn… Đặc biệt, Hà Nội cần có một môi trường đầu tư tương ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Hà Nội phải là nơi đi đầu trong hỗ trợ khởi nghiệp, là địa chỉ giàu tiềm năng, là nơi đáng tin cậy và biết phát huy tốt nguồn lực cán bộ theo tiêu chí “tinh thông, tinh nhuệ, tinh gọn, tinh túy, tinh ý…”.
Cụ thể các cam kết thành hành động, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Có câu muốn đón được đại bàng thì phải có tổ lớn, muốn có cá to thì phải có ao sâu", Hà Nội sẽ chuẩn bị thật tốt để có thể thu hút được những nhà đầu tư lớn; đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vừa và nhỏ... Còn Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định: “Thành công của DN là thành công của Hà Nội”. Với quyết tâm của lãnh đạo Hà Nội, chắc chắn, bộ máy cấp dưới sẽ không thể chần chừ chậm chạp để có thể phục vụ người dân và DN tốt hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần