Hà Nội: 6 điểm mới trong tuyển sinh làm tăng cơ hội cho học sinh thi vào lớp 10

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/4, bà Nghiêm Thu Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông tin 6 điểm mới về công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2021- 2022.

điểm mới tại kỳ tuyển sinh lớp 10
Thứ nhất, về phương thức tuyển sinh: Năm nay, các trường công lập không chuyên sẽ sử dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10. Học sinh (HS) thi 4 môn gồm: Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ và Lịch sử; trong đó Lịch sử là môn thi ngẫu nhiên qua hình thức bốc thăm.
Với trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, nếu mọi năm chỉ có 2 phương án tuyển sinh là thi tuyển và xét tuyển thì năm nay có 3 phương thức là thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển.
Thứ hai, về đăng ký nguyện vọng (NV). Nếu từ năm học 2020-2021 trở về trước, mỗi HS chỉ được đăng ký tối đa 2 NV vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh (KVTS), thì từ năm học 2021-2022, mỗi HS được đăng ký tối đa 3 NV vào 3 trường THPT công lập; điều này tạo điều kiện thuận lợi cho HS lựa chọn NV đăng ký và tăng cơ hội vào các trường.
Thứ ba, HS không được thay đổi NV đăng ký nhưng được đổi KVTS tuyển sinh.
 Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 tại Hà Nội có 6 điểm mới
Thứ tư, về nguyên tắc xét tuyển đối với lớp 10 các trường THPT công lập. HS không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển (ĐXT) cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm (năm trước là 1,5 điểm). HS không trúng tuyển NV1 và NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có ĐXT cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm (năm trước không có quy định này). 
Thứ năm, với trường hợp HS đăng kí dự tuyển học lớp tiếng Nhật (ngoại ngữ 1) thì được đăng ký dự  tuyển NV1 và NV2 vào hai trong ba trường THPT (Chu Văn An, Kim Liên, Việt  Đức), NV còn lại (nếu có) phải thuộc KVTS theo quy định. Năm nay, nếu HS không trúng tuyển tiếng Nhật (ngoại ngữ 1) thì được xét tuyển vào lớp tiếng Anh theo NV đã đăng ký.
Thứ sáu, với HS thi lớp 10 hệ song bằng tú tài: Nếu các năm trước, HS phải tham dự 3 Vòng thi (Vòng 3 là vòng phỏng vấn) thì năm nay, HS chỉ tham dự 2 Vòng. Trong đó Vòng 1, HS thi tuyển theo chương trình THPT quốc gia Việt Nam. (4 môn thi: Ngữ Văn, Toán, Ngoại Ngữ, Lịch sử). Vòng 2, HS thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài. Ngày 13/6/2021: buổi sáng thi môn Toán bằng tiếng Anh và môn Vật lý bằng tiếng Anh; buổi chiều thi viết luận môn Tiếng Anh và môn Hóa học bằng  tiếng Anh. Ngày 14/6/2021: buổi chiều thi nói môn Tiếng Anh.  
Các năm trước, các trường dựa vào kết quả thi bài thi phỏng vấn để xét tuyển thì năm nay sẽ quy đổi điểm bài thi Vòng 2 của từng bài thi về thang điểm 10,0; tính ĐXT Vòng 2 của mỗi HS là tổng điểm các bài thi Vòng 2.
Những vấn đề cần lưu ý
Ngoài 6 điểm mới trên, bà Nghiêm Thu Hà cũng lưu ý: Về ngày thi thì ngày 10/6 và sáng 11/6, tất cả HS đều dự thi. Nếu HS chỉ đăng ký thi chuyên, có thể không cần dự thi môn Lịch sử. Chiều 11/6 và sáng 12/6: HS thi chuyên các môn tương ứng. Ngày 13/6 và chiều 14/6, HS thi song bằng tú tài.
 Các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị phiếu dự thi cho HS rõ ràng, đầy đủ
Các trường cần nghiên cứu kỹ 5 phụ lục kèm theo hướng dẫn để cụ thể hóa nội dung về các chương trình ngoại ngữ THPT, môn ngoại ngữ bắt buộc, quy định mã trường, quy định cách viết tắt, quy định đối tượng tuyển thẳng…
Về đối tượng tuyển thẳng có quy định HS đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể  dục thể thao; cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS và THPT sẽ được xét tuyển thẳng. Tuy nhiên, với riêng giải cấp quốc gia “ATGT cho nụ cười ngày mai”, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định HS đạt giải này trước năm học 2020-2021 mới được xét tuyển thẳng.
Để kỳ đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, hiệu quả, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu trách nhiệm cao từ các đơn vị. Các Phòng GD&ĐT cần khẩn trương triển khai văn bản hướng dẫn đến các cơ sở giáo dục, chỉ đạo yêu cầu các cơ sở chuẩn bị cơ sở vật chất, nhận dữ liệu tuyển sinh tại Sở GD&ĐT.
Các trường ngoài công lập, công lập tự chủ tài chính xây dựng kế hoạch tuyển sinh, báo cáo Sở trước 30/4.
Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở cần chuẩn bị phiếu dự thi cho HS rõ ràng, đầy đủ. Mẫu phiếu phải in giống mẫu phiếu do Sở cấp. Sau khi nhập thông tin, các trường phải kiểm tra, xác nhận dữ liệu nhập để cập nhật phần mềm, Thủ trưởng cơ sở giáo dục lưu, sao và phát mỗi HS 1 bản để tra cứu. Các cơ sở phải giải đáp thắc mắc cho HS, cha mẹ HS về mã HS. Sau khi nhận giấy báo dự thi hoặc giấy báo kết quả thi, phải trả ngay HS theo quy định.