Hà Nội bàn giải pháp cấp bách phát triển chăn nuôi lợn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/4, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai một số giải pháp cấp bách phát triển chăn nuôi lợn, và phòng chống dịch bệnh từ nay tới cuối năm 2020.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, thời điểm này toàn TP có 1,1 triệu con lợn, bằng 68% so với cùng kỳ, trong đó lợn nái là 130.000 con, số con sơ sinh/nái/năm đạt từ 20 - 22 con. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 17.000 tấn, bằng 60,7%. Tính chung quý I năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 51.000 tấn, bằng 58,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Toàn cảnh hội nghị.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), năm 2019 toàn TP tiêu hủy 543.878 con lợn (chiếm 20,06%). Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn TP đã có 14 hộ chăn nuôi có lợn mắc DTLCP, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 72 con.
Hiện tại, vẫn còn một ổ DTLCP tại xã Phương Tú, Ứng Hòa chưa qua 30 ngày. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp TP đã và đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịch bệnh trực tiếp ảnh hưởng tới việc tiêu thụ các sản phẩm từ chăn nuôi.
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã yêu cầu các DN chăn nuôi lợn giảm giá lợn hơi bán ra về mức 70.000 đồng/kg, tuy nhiên hiện giá thịt lợn trên thị trường vẫn neo ở lức cao, nhiều cơ sở giết mổ khan hiếm lợn. Điều đó được thể hiện rõ qua số lượng lợn giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung thời gian qua giảm từ 30 - 50%. Trong khi diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nguy cơ xảy ra cao, nhất là DTLCP do chưa có vaccine phòng bệnh; ngoài ra, việc nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn do dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất trong chăn nuôi.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc tái đàn lợn hiện nay, các DN tham dự hội nghị cho biết: Việc tái đàn và tăng đàn lợn hiện rất khó khăn do nguồn cung ứng con giống hạn chế. Cụ thể, đàn lợn nái, đực giống trước khi xảy ra DTLCP là 167.000 con. Khi xảy ra dịch đã tiêu hủy 68.000 con (khoảng 40%) tổng đàn lợn nái, lợn đực giống.
Đến nay đã tái và tăng đàn đạt 130.000 con, hiện vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế để tăng tổng đàn lợn. Nhu cầu tái đàn cao, trong khi nguồn cung thiếu đã đẩy giá lợn giống lên cao, hiện dao động 2,5 - 2,8 triệu đồng/con và rất khó mua. Các cơ sở, trại chăn nuôi của Hà Nội muốn tái đàn nhưng rất khó mua lợn giống bố mẹ từ các công ty trong nước. Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi hiện cũng đang thiếu vốn để đầu tư sản xuất nên e ngại nhập đàn.
Các DN chăn nuôi cũng đưa ra kiến nghị TP và Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho cơ sở chăn nuôi lợn nái mua lợn nái bố mẹ; hỗ trợ nhập giống lợn ngoại. Đặc biệt là được tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Trong quý I/2020 ngành nông nghiệp TP đang âm 1,18%, trong khi mục tiêu tăng trưởng của ngành năm 2020 là 4,12%. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi phải đạt 6 - 7% để đảm bảo tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung nâng cao cả về số lượng và chất lượng đàn bò, đàn lợn. Đàn trâu bò phấn đấu đạt 130.000 con; đàn lợn phấn đấu đạt 1,8 triệu con.
Riêng mục tiêu nâng tổng đàn lợn lên 1,8 triệu con trong tình hình hiện nay là rất khó. Theo ông Đăng, giải pháp trước mắt là đề nghị các DN cung cấp sản xuất con giống tiêu thụ nội địa, nhất là mặt hàng thịt lợn. Tiếp tục củng cố, phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi giữa các DN và trang trại, giữa các hộ chăn nuôi trong mô hình hợp tác, hợp tác xã. Về giải pháp lâu dài, Sở sẽ tham mưu TP để nhập các con lợn giống ông bà chất lượng cao.
Trong thời gian tới, đối với chăn nuôi lợn cần tiếp tục thực hiện tốt Luật Thú y và Luật Chăn nuôi. Phải thực hiện đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi; hỗ trợ vaccine, hóa chất, chế phẩm vi sinh để đảm bảo không phát sinh dịch bệnh. Tăng cường năng lực của hệ thống thú y từ TP tới các thôn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần