Hà Nội bàn phương án tăng số lớp song bằng, mở rộng trường THPT đào tạo hệ song bằng

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi thông tin báo chí về việc không tuyển sinh mới học sinh lớp 6 chương trình đào tạo song bằng 2021 -2022 theo Đề án “Thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường THCS tại Hà Nội” (gọi tắt là Đề án), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến khẳng định: Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của TP, Sở đã quyết định dừng tuyển sinh lớp 6 năm học này theo đúng tinh thần, tiến độ của Đề án.

Không gây lãng phí
Thông tin với báo chí, ông Phạm Xuân Tiến cho biết: Các trường THCS tham gia Đề án đều đã nghiên cứu kỹ Đề án trước khi thực hiện và việc không tuyển sinh mới học sinh lớp 6 song bằng năm học 2021 -2022 là không bất ngờ hay đột ngột. Tuy dừng tuyển sinh mới lớp 6 nhưng các trường sẽ tiếp tục đào tạo học sinh lớp 7, 8, 9 đang học hệ song bằng cho đến khi tốt nghiệp THCS.
Đề án nêu rõ: Năm học 2022 – 2023, dạy tiếp học sinh được lên lớp 8, 9. Năm học 2023 – 2024: dạy tiếp học sinh được lên lớp 9 và đánh giá toàn bộ Đề án” về chất lượng học sinh, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, từ đó Sở tham mưu TP xem có tiếp tục triển khai chương trình này trong năm học tiếp theo hay không.
 Việc dừng tuyển sinh mới lớp 6 hệ song bằng năm học 2021 - 2022 là theo lộ trình của Đề án
Về việc dừng đào tạo hệ song bằng thì đội ngũ giáo viên và những điều kiện khác của các trường tham gia Đề án có bị lãng phí không, ông Phạm Xuân Tiến nêu, các trường đào tạo song bằng theo cơ chế xã hội hóa, đội ngũ giáo viên là giáo viên hợp đồng của nhà trường với các đối tác (về tiếng Anh, Toán, Khoa học) và không tuyển dụng biên chế chính thức. Vì vậy trong trường hợp không tuyển sinh hệ song bằng nữa, những giáo viên này sẽ tìm kiếm những vị trí công tác mới và không gây lãng phí.
Học sinh tốt nghiệp lớp 9 hệ song bằng có nhiều cơ hội
Theo ông Phạm Xuân Tiến, học sinh học hệ song bằng THCS được đảm bảo đồng thời cả chương trình của Bộ GD&ĐT và chương trình đào tạo Anh quốc. Nội dung trùng giữa 2 chương trình đã được tích hợp, tránh việc bị trùng lặp. Khi kết thúc chương trình lớp 9 song bằng là học sinh hoàn thành cả chương trình của Bộ GD&ĐT và chương trình Cambridge; do vậy cơ hội vào THPT của các em là rất rộng. Các em có thể học chương trình của trường THPT công lập; chương trình Cambridge ở các trường quốc tế; chương trình song bằng ở các trường có đào tạo song bằng (THPT Chu Văn An, chuyên Hà Nội - Amsterdam) hoặc trường tư thục có hệ Cambridge.
Hiện phụ huynh quan tâm đến việc Hà Nội có 2 trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam có chỉ tiêu 100 học sinh hệ song bằng; trong khi đó số lượng học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 song bằng là khoảng 350 học sinh.
“Hà Nội đã bàn phương án tăng số lớp song bằng ở 2 trường THPT trên, sẽ mở rộng trường có điều kiện tham gia chương trình này ở năm học tới. Khi kết thúc lớp 9, đảm bảo 60% học sinh theo học tiếp các trường công lập có hệ song bằng; đồng thời mở rộng, giao chỉ tiêu thêm cho các trường đang triển khai hệ song bằng ở cấp THPT”- ông Phạm Xuân Tiến nói.
"Hà Nội cũng có nhiều trường ngoài công lập tiếp tục tuyển sinh hệ song bằng: Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Việt Úc, Olympia... Ngoài ra, trong nhóm trường tổ chức triển khai Đề án, các trường CLC chủ động tài chính như: THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân hoàn toàn có thể xây dựng tiếp chương trình đào tạo song bằng giống như trường ngoài công lập và việc này sẽ do UBND các quận huyện quyết định vì trường THCS thuộc quản lý của UBND cấp quận, huyện”- đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin thêm.