Hà Nội: Bắt giữ hơn 23.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Hoàng Tuấn - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tính đến hết 15/12, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 23.589 vụ buôn lậu, gian lận thương mại; khởi tố 205 vụ đối với 222 đối tượng…

Theo Ban BCĐ 389 TP Hà Nội, trong năm 2016 thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội còn nhiều diễn biến phức tạp. Các đường dây, ổ nhóm nhập lậu, vận chuyển, tập kết và buôn bán hàng nhập lậu vẫn tồn tại. Hàng hóa vận chuyển, tập kết ở các tỉnh ven Hà Nội sau đó được vận chuyển nhỏ lẻ vào thành phố theo nhiều đường, địa điểm, thời gian khác nhau.
Thực trạng hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau. Việc kinh doanh thực phẩm kém chất lượng như bánh, mứt, kẹo, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, thủy hải sản, thực phẩm chức năng không đảm bảo ATTP còn tồn tại, chủ yếu ở các cơ sở sản xuất thủ công, các doanh nghiệp với quy mô vừa và nhỏ, các điểm giáp ranh giữa các quận, huyện, các tỉnh đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
 Lực lượng chức năng phát hiện thu giữ hàng nghìn bao thuốc lá lậu vào tháng 11/2016 tại Hà Nội.

Trong năm 2016, các sở, ngành thành viên trong BCĐ 389 Thành phố và BCĐ 389 các quận, huyện, thị xã cơ bản triển khai thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, các lực lượng Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường đóng vai trò nòng cốt trong chấp hành xây dựng, triển khai nghiêm các chương trình kế hoạch công tác, chế độ thông tin báo cáo, tham mưu xây dựng chính  sách cũng như chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức phối hợp đấu tranh có hiệu quả.
Đến hết 15/12, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 23.589 vụ việc vi phạm, khởi tố 205 vụ đối với 222 đối tượng. Trong đó hàng cấm nhập lậu 3.147 vụ; gian lận thương mại hơn 19.100 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ hơn 1.300 vụ. Tổng thu nộp ngân sách Nhà nước gần 3.875,6 tỷ; phạt hành chính hơn 1.400 tỷ (tăng hơn 760 tỷ đồng so với năm 2015); truy thu thuế, thu thuế sau thanh tra, kiểm tra hơn 2.444 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu gần 12 tỷ đồng.
Tang vật vi phạm chủ yếu là chất gây nghiện, vàng, thuốc tân dược, ngà voi, động vật hoang dã, gỗ quý hiếm, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Các loại tem nhãn, bao bì, hàng hóa giả các thương hiệu nổi tiếng...