Hà Nội biểu dương "Người tốt, việc tốt", vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019

TRẦN LONG - THỦY TIÊN - THANH HẢI - CÔNG THỌ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/10, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu; vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019.

Dự hội nghị về phía lãnh đạo T.Ư có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Uỷ Ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Hùng Khang – Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng T.Ư... cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.
 Các đại biểu dự Hội nghị
Về phía TP Hà Nội có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng... Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia của 340 đại biểu T.Ư và TP Hà Nội; 794 đại biểu là điển hình tiên tiến; 10 đại biểu công dân Thủ đô ưu tú năm 2019; 2 đại biểu chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2019; 82 đại biểu là công dân Thủ đô ưu tú giai đoạn 2010 – 2018 và 700 đại biểu điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2019. Tổng số đại biểu mời dự khoảng 1.159 đại biểu.
Phát biểu đánh giá kết quả phong trào “Người tốt, việc tốt” và phát động phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2019, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, những thành tựu, kết quả trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô luôn gắn liền với sức mạnh đoàn kết, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

Thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời “Hà Nội, Thủ đô của cả nước, ngày càng có nhiều người tốt, việc tốt”; theo gợi ý của Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, năm 1992 - Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. 27 năm qua, phong trào người tốt, việc tốt của Thủ đô đã trở thành nếp văn hóa, bản sắc riêng của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Với việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng nói chung đã tạo động lực và niềm tin trong nhân dân với hàng trăm, hàng nghìn những bông hoa người tốt, việc tốt.

 Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng...

Năm 2019, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt thông qua việc xây dựng, sửa đổi Quy chế phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên địa bàn Thành phố. Qua đó, đã phát hiện và tuyên truyền nêu gương nhiều cá nhân điển hình trong cuộc sống để mọi người cùng học tập, làm theo. Đặc biệt, phong trào “Người tốt, việc tốt” trong cán bộ, công chức, viên chức được triển khai gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người cùng với phong trào thi đua “thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” đã thu được hiệu quả tích cực. Không chỉ nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, mà mỗi cán bộ công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị đã đổi mới thái độ, phong cách phục vụ nhân dân, đoàn kết, tương trợ và có nhiều việc làm tốt cho cộng đồng xã hội, giúp củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Các phong trào “Người tốt, việc tốt” trong lao động sản xuất luôn được các cấp, các ngành gắn với các phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển”, “Khởi nghiệp sáng tạo”, qua đó đã phát hiện nhiều tấm gương thi đua lao động giỏi, cải tiến sáng kiến kỹ thuật, phát triển sản xuất kinh doanh với những cách làm mới, sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện an sinh xã hội. Các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thủ đô hưởng ứng phong trào “Người tốt, việc tốt” bằng nhiều việc làm, hoạt động vì cộng đồng, vì sự bình yên của nhân dân.

 Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 9 tập thể và 7 cá nhân

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động của mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, phong trào “Người tốt, việc tốt” được lan tỏa trong cả cộng đồng, lôi cuốn được sự tham gia của mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi, từ người cao tuổi, đến các cháu thiếu niên nhi đồng, từ cán bộ, công chức các cơ quan Trung ương đến người nước ngoài đang học tập, công tác trên địa bàn. Qua đó, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ý thức tự giác, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của cán bộ và nhân dân Thủ đô.

Lan tỏa các tấm gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hôm nay, TP biểu dương và tôn vinh những tấm gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, cải cách hành chính, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới, những hành động dũng cảm, việc làm thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp của cán bộ và nhân dân Thủ đô, những người đang từng ngày, từng giờ cống hiến sức lực và trí tuệ trên khắp các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội. 

Điển hình là tấm gương PGS, TS, NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ, người đã dành cả cuộc đời cho những công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, được biết đến như một kho tư liệu quý giá, góp phần quảng bá lịch sử và văn hoá Việt Nam nói chung, lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội nói riêng tới với bạn bè quốc tế. 

Tấm gương Bác sỹ Đinh Xuân Huy, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch nhi, Bệnh viện Tim Hà Nội; với trình độ tay nghề vững vàng đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, mang lại trái tim lành lặn và cuộc sống cho nhiều em nhỏ. 

Cô giáo Lê Thị Hòa, Trường tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ với 26 năm mở lớp dạy học, âm thầm trao tình yêu thương và kiến thức cho những trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, giúp các em dần vượt qua mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. 

Anh Đặng Quang Hào, “Cây sáng kiến” của Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, người luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo với 300 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chị Nghiêm Thị Phương Chi, Công chức Văn phòng Thống kê xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì và Anh Nguyễn Xuân Đông, công chức Văn phòng Thống kê phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm là những công chức cơ sở tâm huyết, tận tụy với công việc của nhân dân; có nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả tại địa bàn và nhiều lần được người dân gửi thư khen.

Trung úy Nguyễn Thế Huy, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy số 2, Công an thành phố Hà Nội đã không quản ngại hiểm nguy cứu người đuối nước trên sông.

Tinh thần quyết tâm vượt khó cùng ý chí khổ luyện miệt mài của vận động viên cử tạ Lại Gia Thành đã mang về cho Thể thao Việt Nam 03 tấm Huy chương Vàng tại giải Cúp Thế giới 2019 diễn ra ở Trung Quốc.

Tấm gương Em Lê Hương Giang, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã vượt lên số phận để thực hiện ước mơ trở thành người dẫn chương trình khiếm thị đầu tiên trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Những gương doanh nhân với nhiều ý tưởng sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô như: Ông Đỗ Minh Phú đã xây dựng và phát triển Công ty Cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji trở thành Tập đoàn vàng bạc đá quý hàng đầu Việt Nam với Trung tâm vàng bạc đá quý, trang sức cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Những tấm gương tiêu biểu, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, vật chất xây dựng Nông thôn mới như: Ông Lý Văn Phủ, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, Huyện Ba Vì là người dân tộc Dao có uy tín ở địa phương đã tích cực vận động nhân dân xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, chung tay xây dựng nông thôn mới, đồng thời gia đình ông còn hiến tặng 200 m2 đất để làm đường giao thông. Gia đình ông Phạm Doãn Sơn, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì ủng hộ 01 tỷ đồng xây dựng trường Mầm non xã; ông Nguyễn Văn Triển, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn ủng hộ 150 triệu đồng xây dựng Nhà Văn hóa thôn,...
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc
trao khen thưởng cho 10 gương người tốt, việc tốt tiêu biểu

Bên cạnh những tấm gương “người tốt, việc tốt” được tuyên dương, khen thưởng, vẫn còn rất nhiều những hành động đẹp, những việc làm tốt thầm lặng, của những con người đang ngày đêm cống hiến cho công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển Thủ đô và Đất nước. Những tấm gương nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, những chân dung sống động, dung dị, đời thường của rất nhiều những người đã có những việc làm tốt, nghĩa cử cao đẹp, có tính nhân văn trong cộng đồng, mang đậm nét văn hóa của người Hà Thành rất đáng trân trọng, tự hào.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội 

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và Thủ đô như: Việt Nam là Chủ tịch ASEAN; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố Hà Nội; Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; Là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; năm diễn ra Đại hội thi đua yêu nước Thành phố giai đoạn 2020 - 2025 và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X,…

Với những ý nghĩa đó, thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của các sự kiện chính trị, lịch sử, về truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc, về Đảng và Bác Hồ kính yêu; tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước cùng những thành tựu của đất nước, của Thủ đô trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong toàn thể cán bộ và nhân dân Thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ.
  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị

Hai là, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Người tốt, việc tốt” trên tất cả các lĩnh vực, nhằm huy động tối đa mọi tiềm năng, nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019 và 2020, góp phần hoàn thành thắng lợi Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI. Tập trung chỉ đạo, triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII. Đồng thời, tích cực chuẩn bị các điều kiện để đăng cai tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế và khu vực: Giải đua xe Công thức 1 Thế giới diễn ra tại Hà Nội vào tháng 4/2020, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 vào năm 2021.

Ba là, tổ chức tốt các hoạt động chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của Thủ đô và kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội gắn với việc đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng, thi đua xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Qua đó vừa tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; vừa góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô, tạo tình cảm và ấn tượng tốt đẹp với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, tăng cường hiểu biết, tạo tiền đề hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Bốn là, tập trung làm tốt công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng; thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh”, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.

Năm là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua, phong trào “Người tốt, việc tốt” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết; chủ động phát hiện, khen thưởng và tuyên truyền kịp thời các gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Người tốt, việc tốt”. Tập trung tổ chức và triển khai tốt Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước Thành phố vào năm 2020.

Tạo sự thống nhất cao trong thực hiện các phong trào thi đua

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu; vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019 là một sự kiện có ý nghĩa thiết thực của TP Hà Nội trong dịp kỷ niệm 50 năm di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

27 năm qua phong trào người tốt đã được TP Hà Nội phát động và triển khai tích cực tạo ra được sự lan toả sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Qua đó, đã xuất hiện nhày càng nhiều gương điển hình tiên tiến người tốt, việc tốt.

Qua báo cáo đánh giá của Hà Nội, Phó Chủ tịch nước đánh giá, thời gian qua Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào biểu dương người tốt việc tốt nói riêng. Điều này đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, Hà Nội đã tích cực triển khai phong trào thi đua người tốt việc tốt gắn với việc thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào thi đua cán bộ, công chức, viên chức người lao động thi đua thực hiện văn hoá công sở và nơi công cộng.

Cùng với đó, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động cả nước chung sức xây dựng NTM, chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau và DN Việt Nam hội nhập phát triển đã được TP Hà Nội phát động và có sự đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của từng ngành, từng đơn vị. Qua đó, khơi dậy được tiềm năng, tính sáng tạo của mọi người, mọi tổ chức. Qua các phong trào đã có hàng vạn gương tiêu biểu, điển hình người tốt việc tốt được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Phó Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, thành tích của các điển hình tiên tiến người tốt, việc tốt sẽ có sức thuyết phục và cảm hoá mạnh mẽ để thực sự là tấm gương sáng, sống động để góp phần vào việc bồi dưỡng đạo đức, tư tưởng, tình cảm, khơi dậy, nhân lên tính tích cực trong mỗi con người.

 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị

Nhấn mạnh, Hà Nội và cả nước đang bước sang năm cuối thực hiện nghị quyết đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII và hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Phó Chủ tịch nước đề nghị, để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong tình hình mới, TP Hà Nội cần quan tâm tới tính sáng tạo và quyết tâm trong thực hiện các mục tiêu của từng phong trào thi đua. Tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong từng cơ quan, đơn vị cũng như vai trò nêu gương của người đứng đầu. Chú ý phát hiện và biểu dương, khen thưởng người lao động trực tiếp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các tâm gương tiêu biểu để người tốt, việc tốt lan toả trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần làm cho vườn hoa người tốt, việc tốt của Thủ đô Hà Nội ngày thêm rực rỡ.

“Năm nay, thực hiện kỷ niệm 50 năm di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của người. Trong đó, vệ thực hiện công tác thi đua ái quốc “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững” – nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước, giác ngộ chính trị của mọi người; phải có sự lãnh đạo đúng, có kế hoạch tỷ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị, địa phương, cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm để sao cho mỗi nhóm, người tự giác thực hiện. Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình lợi ích cho làng, cho dân tộc” - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước đề nghị, TP Hà Nội gắn các phong trào thi đua với việc xây dựng, bồi dưỡng cong người Việt Nam trong thời kỳ mới để phát triển toàn diện ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ và lao động sản xuất giỏi, sống có văn hoá, tình nghĩa như tinh thần người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Vinh danh 10 Công dân Thủ đô ưu tú

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019 cho 10 cá nhân. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trao tặng danh hiệu người tốt, việc tốt cho 10 cá nhân tiêu biểu đại diện cho 700 cá nhân được TP trao tặng danh hiệu người tốt, việc tốt năm 2019.

 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú cho 10 cá nhân. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã giao lưu với bà Lưu Thị Phẩm - “mạnh thường quân” của thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, một trong những tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu của thành phố năm 2019, người đã đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các đại biểu cũng đã giao lưu với Anh hùng La Văn Cầu, một trong bảy người đầu tiên được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhạc sĩ Lê Mây, tác giả của ca khúc “Hà Nội linh thiêng hào hoa”.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng; đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước.

Nhân dịp này, 9 tập thể và 7 cá nhân cũng đã vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức chức thành công Hội nghị Thượng định Mỹ - Triều tại Hà Nội.

10 cá nhân được trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" 2019

1. PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ (SN 1937), nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội: Ông đã nghiên cứu luận án “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX: Kết cấu kinh tế - xã hội của một đô thị trung đại” để bảo vệ luận án tiến sĩ đầu tiên của Khoa Lịch sử. Luận án trở thành tư liệu trích dẫn trong những nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội.

2. Nhạc sĩ Lê Mây (SN 1942), nguyên cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam: Ông là người sáng chế ra đàn T’rưng mali Lê Mây, là loại nhạc cụ dân tộc đặc sắc, làm quà lưu niệm cho bạn bè quốc tế mỗi khi đến Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với các tác phẩm nổi tiếng như “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”, “Người là Hồ Chí Minh”, “Câu lý và người thương”.

3. GS.TS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thanh Liêm (SN 1953), nguyên GĐ BV Nhi Trung ương: Ông có nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo và được nhận nhiều giải thưởng lớn, đã có 6 cuốn sách được xuất bản, hơn 200 công trình nghiên cứu y học, 75 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và châu Âu. Ông là bác sĩ đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá Nikkei châu Á về khoa học công nghệ. Ông đã có hơn 40 công trình về phẫu thuật nội soi được giới thiệu trên nhiều tạp chí quốc tế...

4. GS.TS Thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh (SN 1935), nguyên Trưởng phòng Điều trị khoa Thần kinh và tinh thần - BV Bạch Mai, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam: Ông chủ biên nhiều sách y học: “Sổ tay hội chứng thần kinh, bệnh thần kinh”; “Thần kinh học trẻ em”; “Dinh dưỡng liên quan đến bệnh lý thần kinh”; “Bệnh Parkinson”; “Thần kinh học lâm sàng”; “Nhiễm khuẩn hệ thần kinh”… và nhiều ấn phẩm khác được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha.

5. Bà Lê Thị Hòa (SN 1973), giáo viên, Tổng phụ trách Đội trường tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ: Hơn 26 năm tham gia giảng dạy và làm Tổng phụ trách Đội tại các trường tiểu học Trường Yên và Đông Sơn của huyện Chương Mỹ, bà Lê Thị Hòa luôn tâm huyết với công tác giảng dạy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liên tục là giáo viên giỏi, Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp. Bà đã mở lớp giảng dạy miễn phí tại nhà riêng cho học sinh nhiễm chất độc da cam/dioxin không có khả năng đến trường và các em học sinh nghỉ học giữa chừng.

6. Ông Lý Văn Phủ (SN 1963), nguyên trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì: Là người dân tộc Dao, được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Yên Sơn giai đoạn 2015-2017, ông Lý Văn Phủ thường xuyên vận động con em trong gia đình và nhân dân trong thôn tích cực học tập văn hóa, duy trì phát huy bản sắc dân tộc như học chữ Nho, thêu ren truyền thống của dân tộc Dao cũng như tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo. Ông còn tích cực tuyên truyền nhân dân tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới, riêng gia đình ông đã trực tiếp hiến 200m2 đất để làm đường giao thông.

7. Ông Đỗ Minh Phú (SN 1953), Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji: Là người sáng lập Cty từ năm 1994 đến nay, ông đã lãnh đạo đơn vị vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng thành Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji không ngừng mở rộng quy mô, phát triển bền vững. Năm 2007, ông xây dựng và thành lập trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý Doji Plaza tại Hà Nội. Cty tạo việc làm cho 1.900 lao động (trong đó tạo việc làm cho 700 lao động tại Hà Nội).

8. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu (SN 1931), công dân phường Quang Trung, quận Đống Đa: Là người dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng, năm 1948, ông gia nhập Đại đội 671 và lập được nhiều thành tích trong chiến đấu. Trong trận Đông Khê thuộc Chiến dịch biên giới năm 1950, ông là chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu. Khi bị địch bắn gãy nát một cánh tay, ông đã yêu cầu đồng đội chặt hộ cánh tay để khỏi vướng rồi lại tiếp tục ôm bộc phá xông lên, phá tan lô cốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch. Tấm gương của ông đã cổ vũ phong trào thi đua diệt giặc lập công trong toàn quân.

9. Bà Lê Thu (tên thật là Đào Thị Đoan) (SN 1932), Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội: Năm 2009, bà Lê Thu sáng lập Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long tại Hà Nội, gồm 30 người. Trong 10 năm hoạt động, bà dành trọn tiền lương hưu, vận động các nhà hảo tâm được tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Riêng gia đình của bà ủng hộ các hoạt động nhân đạo hơn 300 triệu đồng/năm. Từ năm 2015 đến năm 2017, bà đã quyên góp trên 3 tỷ đồng để trợ vốn, xây nhà giúp người nghèo, xây cầu, trường học... tại một số tỉnh. Sáng kiến xây dựng gian hàng từ thiện “Ai có điều kiện thì mang đến cho, còn ai khó khăn thì tới nhận” tại 19/52 phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội của bà đã làm ấm lòng những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

10. Bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu (SN 1968), tổ trưởng Tổ môi trường 1 - Chi nhánh Hoàn Kiếm - Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội: Là tổ trưởng Tổ phục vụ vệ sinh môi trường khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phường Hàng Bạc - địa bàn thường xuyên đón khách du lịch tham quan, bà cùng các thành viên trong tổ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, du khách, hộ kinh doanh trong khu vực bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng bà đã cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tết hàng năm, bà thường đón giao thừa trên đường phố để phục vụ bà con nhân dân vui chơi quanh khu vực Bờ Hồ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần