Hà Nội bố trí đủ kinh phí phòng chống dịch

Thu Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban công tác phòng chống dịch bệnh ở người trên địa bàn TP Hà Nội với điểm cầu các quận/huyện/thị xã.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn TP ghi nhận 366 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 trường hợp tay chân miệng, 20 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, 12 trường hợp ho gà, 3 trường hợp liên cầu lợn nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong do dịch bệnh. Tuy nhiên, thời tiết giao mùa như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp, cúm gia cầm lây lan và bùng phát. Riêng với dịch cúm A(H7N9) đang tăng nhanh tại Trung Quốc có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, trước tình hình trên, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phòng chống dịch cúm A(H7N9), giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua Sân bay quốc tế Nội Bài.

Hiện Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trao đổi thông tin về dịch bệnh trên đàn gia cầm để giám sát tại cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn giám sát để phát hiện sớm trường hợp nghi mắc bệnh. Từ đầu năm 2017 đến nay đã giám sát được 3 trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus, nhưng chỉ phát hiện cúm thông thường.

Được biết, ngày 13/3 này, Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND huyện Thường Tín sẽ tổ chức diễn tập về phòng chống dịch bệnh cúm A(H7N9) tại xã Lê Lợi - nơi có chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ.
 Ảnh minh họa

Đề cập đến khó khăn trong công tác phòng chống cúm A(H7N9), Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, virus này không gây bệnh và không gây chết gia cầm, vì vậy rất khó phát hiện gia cầm nhiễm virus. Tại các chốt kiểm dịch chủ yếu là kiểm soát bằng mắt thường nên không thể phát hiện ra gia cầm nhiễm bệnh. Tới đây, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT tăng cường xét nghiệm nhanh vi rút cúm định kỳ và đột xuất trên địa bàn, đặc biệt là những nơi nguy cơ cao.

Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng cho biết, ngành bảo đảm đủ hóa chất, thuốc men, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác giám sát xử lý dịch và cấp cứu điều trị cho bệnh nhân, trong đó có hơn 7.300kg Cloramin B và gần 2.000 viên Tamiflu. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội đã công bố hai số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm trên người, cụ thể là: 0949.396.115 và 0969.082.115.

Trước tình hình dịch cúm A(H7N9) có thể lây lan sang Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn sẽ tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó thường xuyên cập nhật thông tin về các bệnh dịch nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập tại các nước trong khu vực và thế giới để chủ động dự báo tình hình, đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả, đồng thời giám sát phát hiện sớm ca bệnh để kịp thời khoanh vùng, tập huấn thành thạo cho các đội cơ động từ tuyến TP đến quận, huyện, thị xã... Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, Hà Nội sẽ không để thiếu kinh phí trong phòng chống dịch, tập trung mọi nguồn lực phòng chống dịch hiệu quả, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Theo tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến ngày 7/3, cả nước chỉ còn có các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi thuộc 5 xã của 5 tỉnh chưa qua 21 ngày gồm Nghệ An, Bạc Liêu, Đồng Nai, Sóc Trăng và An Giang. Các địa phương có dịch cúm gia cầm đã thực hiện tiêu độc, khử trùng ổ dịch và kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn. Hiện Cục Thú y vẫn tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật nói chung và dịch cúm gia cầm nói riêng. (Thiên Tú)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần