Hà Nội: 4 tháng đầu năm 2018, thu hút 744 triệu USD vốn đầu tư FDI

Công Thọ - Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 4 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút 744 triệu USD vốn đầu tư FDI, trong đó 498,6 triệu USD cấp mới, 55,4 triệu USD tăng vốn và 190 triệu USD góp vốn mua cổ phần.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018 của UBND TP Hà Nội tại phiên họp giao ban UBND TP tháng 4/2018 cho thấy, trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển DN. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nâng cao quy mô và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xã hội, nhất là vốn đầu tư công.
Chỉ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp giao ban UBND TP tháng 4/2018
Theo đó, UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, DN từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Trong 4 tháng đầu năm 2018, TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 21 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách, tổng mức đầu tư 16.336 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 14 dự án, trong đó 9 dự án tăng vốn 1.389 tỷ đồng; thu hút 744 triệu USD vốn đầu tư FDI, trong đó 498,6 triệu USD cấp mới, 55,4 triệu USD tăng vốn và 190 triệu USD góp vốn mua cổ phần; trong đó: cấp mới 117 dự án, vốn đầu tư đăng ký 254,3 triệu USD; tăng vốn 25 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 40,9 triệu USD; chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam 113 lượt, với tổng vốn đăng ký đạt 47,27 triệu USD;cấp Giấy chứng nhận 8.139 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký 78.222 tỷ đồng (tăng 1% về số lượng và tăng 27% về vốn so với cùng kỳ năm trước); 1.287 DN hoạt động trở lại... Tổng số DN trên địa bàn TP lũy kế đến nay đạt 238.849 DN. Duy trì 100% số DN đang hoạt động là 153.066 DN hồ sơ đăng ký DN qua mạng, đảm bảo chất lượng, giải quyết đúng thời hạn.

Về công tác thu - chi ngân sách, thu NSNN trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2018 ước thực hiện là 75.852 tỷ đồng, đạt 31,8% dự toán, tăng 10,7% cùng kỳ năm 2017,trong đó: thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 5.256 tỷ đồng đạt 26,2% dự toán; thu từ dầu thô 810 tỷ đồng; thu nội địa 69.786 tỷ đồng, đạt 32,2% dự toán.

Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 4 tháng đầu năm là 16.347 tỷ đồng, đạt 17,2% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 5.831 tỷ đồng, chi thường xuyên là 10.516 tỷ đồng. Chỉ đạo khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư, thi công và giải ngân vốn xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm. Tỷ lệ giải ngân vốn XDCB toàn TP ước thực hiện 5.830,6/36.181 tỷ đồng, đạt 13,83% kế hoạch.

Về tín dụng ngân hàng, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hà Nội 4 tháng đầu năm ước đạt 2.723 nghìn tỷ đồng, tăng 3,21% so với 31/12/2017, trong đó: tiền gửi tiết kiệm tăng 4,0%, tiền gửi thanh toán tăng 2,87%; tiền gửi VND tăng 3,46% và tiền gửi ngoại tệ tăng 2,82%. Dư nợ cho vay 4 tháng đầu năm ước đạt 1.659 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với 31/12/2017, chiếm 60,9% tổng vốn huy động. Trong cơ cấu tổng dư nợ, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.448 nghìn tỷ đồng chiếm 87,29% và tăng 4,01%, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 5,04%, dư nợ trung và dài hạn tăng 3,26%; dư nợ VND tăng 4,09%, dư nợ ngoại tệ tăng 3,45%. Tỷ lệ nợ quá hạn ước chiếm 2,8%tổng dư nợ.

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực; các DN được TP tạo điều kiện đã kịp thời tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất. Các chỉ tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 6,6% so cùng kỳ, lũy kế 4 tháng đầu năm tăng 8,1%; công nghiệp khai khoáng tăng 1,6% so tháng trước và tăng 13,2% so cùng kỳ, lũy kế 4 tháng tăng 12,5%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,3% so tháng trước.

TP đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều quyết định quan trọng tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp, bao gồm: Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến 2030 (Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/3/2018); Đề án Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025 (Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 26/01/2018); Quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh khí trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2030 (Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 03/01/2018)…Tổ chức rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, có xét đến 2035.

Thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất. Chỉ đạo chi ngân sách đúng luật, hiệu quả, kịp thời; đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư XDCB.
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh vật nuôi và cây trồng; bảo vệ và chăm sóc tốt cây trồng vụ xuân. Triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp phòng chống thiên tai năm 2018, nhất là công tác tiêu thoát nước mùa mưa. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch trên địa bàn; đảm bảo công tác cung cấp nước sạch trong mùa hè cho nhân dân.