Hà Nội cam kết tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lũy kế đến tháng 9/2018, trên địa bàn Thành phố có 4.372 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký đạt 33 tỷ 381 triệu đô la Mỹ. Riêng 2 năm 2016 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được 12 tỷ 460 triệu đô la Mỹ, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút trong giai đoạn từ 1986 - 2015. Với việc mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế đã nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Sáng nay (4/10), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự hội nghị “Sự nghiệp 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam- Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho FDI trong kỷ nguyên mới” tổ chức tại Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
Góp phần duy trì mức tăng trưởng cao của GRDP Hà Nội
Sau hơn 30 năm, cùng với những thành tựu chung của cả nước trong thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế, Thủ đô Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị, phát triển nhanh. Từ đó đến nay, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và là nhóm 3 địa phương được doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn.
Kể từ năm 1989, khi Hà Nội ghi nhận những dự án FDI đầu tiên được cấp phép (với 4 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 48 triệu đô la Mỹ), thu hút FDI liên tục tăng trưởng cả về số lượng dự án và vốn đăng ký.
Lũy kế đến tháng 9/2018, trên địa bàn Thành phố có 4.372 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt 33 tỷ 381 triệu đô la Mỹ. Riêng 02 năm 2016 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được 12 tỷ 460 triệu đô la Mỹ, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút trong giai đoạn từ 1986 - 2015. Kết quả 9 tháng đầu năm 2018, với 6 tỷ 265 triệu USD vốn đầu tư, thành phố Hà Nội tạm đứng thứ nhất cả nước về thu hút FDI.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, khu vực FDI với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Nguồn vốn FDI chiếm khoảng 10 - 15% trong tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của Thành phố trong những năm qua (trung bình đạt 7,11%); giúp Thành phố hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực và đa dạng hóa xuất khẩu; đồng thời, tạo thêm việc làm cho hơn 270.000 lao động trẻ; tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng ngành, làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô.
Khu vực FDI cũng đã góp phần xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại, với các công trình thương mại, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu biểu như: Tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Keangnam cao 72 tầng, Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng Lotte cao 65 tầng, các Trung tâm thương mại Aeon MALL, các khách sạn 5 sao quốc tế như Metropole, Hilton, Sheraton…, đã góp phần đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố được xếp hạng có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Sự phát triển của Thủ đô thời gian qua đồng thời có tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cũng như cả nước. Tương quan so sánh trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% về diện tích; 41,7% và 8,1% về dân số nhưng đóng góp tương ứng 51,1% và 16,7% về GRDP, 54,1% và 19,1% về thu ngân sách, 20,3% và 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kinh tế Thủ đô luôn giữ vị trí đầu tầu, là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.
Tại hội nghị, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Jiayuan International Group Limit (Hồng Kông) và Công ty cổ phần viễn thông di động Vietnamobile.
Liên kết vùng trong thu hút đầu tư, hướng tới 4.0
Để phát huy vai trò dẫn dắt và điều phối phát triển của Thủ đô đối với các vùng, tạo sức hút mạnh hơn về cung cầu, lan tỏa về công nghệ và tạo động lực cho phát triển liên kết vùng theo chỉ đạo và định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, Thành phố Hà Nội tiếp tục thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo hướng mở rộng hợp tác liên kết mạnh với các tỉnh, thành phố, xóa bỏ sự manh mún, dàn trải và tập trung để dần hình thành một hệ sinh thái, một cộng đồng khoa học công nghệ có thể tương tác, chia sẻ, dùng chung các tiện ích hạ tầng.
Thành phố xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng, bao gồm các lĩnh vực chính: Lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại: giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường; Lĩnh vực sản xuất, gia công, trong đó, ưu tiên các ngành, lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến và in 3-D, sử dụng ít năng lượng hoặc năng lượng tái tạo, tạo thêm việc làm với mức lương cao hơn và người lao động được phát triển kỹ năng, tay nghề; Lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao như: Dịch vụ công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Du lịch, Thương mại, Giáo dục đào tạo, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Logistic.
Bên cạnh các nỗ lực triển khai và thực hiện hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cải cách hành chính, đẩy mạnh chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công qua mạng..., người đứng đầu Thành phố Hà Nội mong muốn được hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Trên cơ sở đó, Hà Nội đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, cùng phối hợp chặt chẽ để xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển địa phương, phối hợp với các bộ, ban, ngành thực hiện quy hoạch phát triển vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, thành phố, tránh sự trùng lặp, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có tính cạnh tranh cao, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; qua đó, thúc đẩy phát triển vùng và phát triển kinh tế của cả nước.
Thứ hai, cùng tiếp tục “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, từ đó, cùng xây dựng các giải pháp, chương trình, kế hoạch và nỗ lực triển khai thực hiện. Phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên kết vùng đã ký kết, các dự án đầu tư hạ tầng có tính chất kết nối vùng nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại: giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường, y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ,… thông qua việc phối hợp hợp tác với các quốc gia, thành phố, doanh nghiệp, nhà đầu tư các nước để hợp tác đầu tư, kinh doanh, mua, nhận chuyển giao công nghệ mới, kinh nghiệm và công nghệ quản lý, tăng cường kết nối, đẩy mạnh giao thương, xuất nhập khẩu.
Kiến nghị thứ tư của Hà Nội là Chính phủ xem xét giao các tỉnh, thành phố kêu gọi đầu tư, triển khai thực hiện các dự án trong quy hoạch vùng trên cơ sở phù hợp với năng lực, hài hòa về lợi ích, trách nhiệm, bình đẳng và khai thác tối đa thế mạnh của mỗi địa phương để có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này.
Thứ năm, Hà Nội đề nghị các Bộ, ngành thiết lập kênh thông tin để chia sẻ, cung cấp các chính sách, định hướng, chương trình, kế hoạch mới để các địa phương kịp thời nắm bắt, xây dựng và điều chỉnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch phù hợp. Giới thiệu, hỗ trợ kết nối các đối tác, các nhà cung cấp quy mô lớn, chiến lược phù hợp cho các địa phương; có cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong công tác cung cấp thông tin, thẩm định đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác tại các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ địa phương trong công tác thẩm định dự án để thu hút được các dự án FDI có tính khả thi.
Thứ sáu, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện để Hà Nội, các doanh nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức, tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch với các nhà đầu tư quốc tế tiềm năng, đặc biệt là các hoạt động có quy mô lớn, uy tín, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ và tài chính; đồng thời, có các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch phù hợp với bối cảnh và định hướng của địa phương và quốc gia.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành của Trung ương, sự ủng hộ của các Tỉnh, Thành phố và đặc biệt là sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, giúp Hà Nội đạt được những thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển.
“Nhằm tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Thành phố Hà Nội cam kết, sẽ quyết tâm đưa các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành hiện thực, xây dựng Hà Nội thành một động lực cho liên kết phát triển vùng, một địa điểm đầu tư kinh doanh du lịch hấp dẫn - nơi thành công của các nhà đầu tư và doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết.

Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác đầu tư 2,3 tỷ USD

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trao biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Viễn thông di động Vietnamobile và Tập đoàn Jiayuan International Group Limit (Hồng Kông) với tổng giá trị 2,3 tỷ USD. Trong đó Vietnamobie mở rộng đầu tư xây dựng nâng cấp và phát triển hạ tầng viễn thông mạng 4G và các công nghệ khác để xây dựng chính quyền điện tử và phát triển TP thông minh của Hà Nội; Jiayuan International Group Limit nghiên cứu phát triển các dự án trong lĩnh vực công viên công nghệ phần mềm, phát triển hệ thống trung chuyển thương mại điện tử và logistics, cảng cạn ICD và tổ hợp văn phòng, khách sạn...