Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua kinh nghiệm của Đà Nẵng cho thấy, việc tổ chức lấy mẫu hết sức quan trọng. Bởi tốc độ lấy mẫu nhiều khi không bằng tốc độ xét nghiệm, cho nên, Hà Nội cần lưu ý đến vấn đề này.

Chiều 2/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì  buổi họp trực tuyến với các điểm cầu của các tỉnh/TP có dịch Covid-19.
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngày 2/2, Hà Nội ghi nhận thêm 1 ca mắc mới. Đây là BN F1 của BN Đ.T.T. đã được Bộ Y tế công bố trước đó. Như vậy, tính từ ngày 28/1/2021 đến nay, Hà Nội có 20 ca mắc Covid-19, trong đó, quận Nam Từ Liêm có 10 bệnh nhân; Đông Anh 4 bệnh nhân; Cầu Giấy 3 bệnh nhân; Mê Linh 2 bệnh nhân và Hai Bà Trưng 1 bệnh nhân. Trong 20 ca mắc, có 19 ca liên quan đến Hải Dương và 1 ca liên quan đến Quảng Ninh.
  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tai buổi họp trực tuyến với các điểm cầu của các tỉnh/TP có dịch Covid-19.
Tính đến nay, Hà Nội đã truy vết và xét nghiệm 572 trường hợp F1, trong đó có 16 trường hợp dương tính, 443 trường hợp âm tính, còn lại đang chờ kết quả. Tất cả các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly tập trung. Hà Nội cũng đã rà soát 5.073 trường hợp F2, đều được cách ly tại nhà. Với những người đi từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh, cho đến nay, Hà Nội đã rà soát 17.273 trường hợp và đã lấy mẫu xét nghiệm 17.058 trường hợp, đạt 99%; đã làm xét nghiệm và có kết quả 15.200 trường hợp đạt 90%. Trong số các trường hợp đã làm xét nghiệm, chỉ có 4 trường hợp dương tính, còn lại là âm tính. Các khu vực dịch đã được xử lý theo quy định. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang cách ly 1.118 trường hợp ở các khu cách ly tập trung.
Hiện nay, Hà Nội đang tập trung vào việc truy vết, giám sát các trường hợp xuất hiện F0 thông qua xét nghiệm. Nếu có F0, lập tức truy vết những trường hợp F1 một cách triệt để, càng nhanh càng tốt, sau đó là truy vết F2, F3. Đối với 17.273 trường hợp từ vùng dịch về, Hà Nội yêu cầu Tổ Covid-19 cộng đồng (bao gồm cả Công an) tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát những người đã từng đi đến, về từ TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương trong thời gian từ ngày 1/1/2021 và Sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 5/1/2021 đến nay. Tất cả những trường hợp này đã được lấy mẫu và đều được cách ly tại  nhà.
Về vấn đề cách ly, hiện nay, Hà Nội quyết định mở thêm khu cách ly tập trung tại Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai để tiếp nhận các trường hợp F1. “Những ngày qua, Hà Nội đã rất quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, ngày 2/2, 5 đoàn kiểm tra của Thường trực Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các quận, huyện”- Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin.
Liên quan đến công tác xét nghiệm, lãnh đạo Sở y tế cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục xét nghiệm mở rộng. Ngay trong chiều 2/2, quận Nam Từ Liêm đã lấy mẫu xét nghiệm cho 800-1.000 trường hợp liên quan đến vùng dịch. Các mẫu này được gửi đến các cơ sở xét nghiệm của T.Ư hỗ trợ. Đặc biệt, chiều 2/2, Bộ Y tế đã hỗ trợ cho Hà Nội 12 đơn vị để làm xét nghiệm. Các đơn vị được Bộ Y tế hỗ trợ xét nghiệm đã sẵn sàng tiếp nhận mẫu và làm xét nghiệm. Hà Nội dự kiến sẽ mở rộng thêm các khu vực xét nghiệm ở ổ dịch. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang gặp khó khăn về cơ chế, thanh toán kinh phí xét nghiệm. Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đơn vị chỉ lấy mẫu xét nghiệm của các trường hợp F1. Còn với những trường hợp F2, F3, chưa có chỉ định. Qua đó, Hà Nội đề nghị Cục Y tế dự phòng tham mưu, có văn bản hướng dẫn chỉ định mẫu xét nghiệm rộng hơn để từ đó, các địa phương có cơ sở lấy mẫu xét nghiệm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong cuộc họp với Hà Nội ngày 1/2, Bộ Y tế đã trao đổi rất rõ ràng với Hà Nội về các biện pháp phòng chống dịch. Bộ Y tế mong muốn Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Trong việc lấy mẫu và xét nghiệm, quan trọng nhất là công tác điều phối. Nếu điều phối không khéo thì mẫu sẽ bị dồn về một đơn vị, trong khi đơn vị khác lại không có mẫu để làm.
“Bộ Y tế đề nghị Hà Nội có trung tâm chỉ huy chịu trách nhiệm điều phối mẫu cho toàn TP. Qua kinh nghiệm của Đà Nẵng cho thấy, việc tổ chức lấy mẫu hết sức quan trọng. Bởi tốc độ lấy mẫu nhiều khi không bằng tốc độ xét nghiệm, cho nên, Hà Nội cần lưu ý đến vấn đề này. Còn việc chỉ định xét nghiệm, Hà Nội có quyền chỉ định các đơn vị xét nghiệm, những người xét nghiệm, không nhất thiết phải đợi những văn bản hướng dẫn của T.Ư. Quan điểm lần này, trong thông báo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế là xét nghiệm trên diện rộng. Còn diện rộng  như thế nào là do địa phương đó quyết định”-Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần