Hà Nội cần thêm cơ chế đặc thù để phát triển hạ tầng

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chuyến thị sát một số công trình hạ tầng trọng điểm của Thủ đô.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô dân số lớn và không ngừng gia tăng, Thủ đô Hà Nội đang phải đối diện với rất nhiều thách thức, khó khăn trong quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBDN TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thăm và chỉ đạo công tác tại Nhà máy nước Bắc Thăng Long.

Trong chuyến thị sát sáng 17/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra tình hình triển khai một số dự án có vai trò quan trọng đối với giao thông và nhu cầu dân sinh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân Thủ đô.

Một trong những công trình giao thông trọng điểm mà Hà Nội đang cần đẩy nhanh tiến độ là đoạn tuyến Vành đai 3 từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thăng Long, dài 5,5km, tổng mức đầu tư 3.113 tỷ đồng.
Hiện, Hà Nội đã hoàn tất giải phóng trên 50% mặt bằng dự án, bàn giao cho đơn vị thi công, dự kiến trong năm 2017 sẽ tiếp tục hoàn thành GPMB bên phải tuyến từ cầu vượt Mai Dịch - công viên Hòa Bình.
Phó Thủ tướng đã thị sát vị trí dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên, lắng nghe tâm tư của người dân nơi đây. Nhân dân mong muốn Chính phủ ủng hộ, gỡ khó cho dự án để sớm giải quyết tình trạng UTGT cũng như xây dựng cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại cho khu vực.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nghe báo cáo tiến độ dự án mở rộng đường Vành đai 3.
Cùng với đó, các dự án Vành đai 2,5, 3,5, 4, QL6, cầu vượt sông Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy 2, Giang Biên, Cầu Đuống 2; cầu vượt nội đô, đường sắt đô thị cũng đang được gấp rút triển khai. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu vốn.

Hà Nội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành bố trí đủ nguồn vốn ODA đối ứng; đồng thời, cho phép được hưởng cơ chế đặc thù, lựa chọn nhà thầu, áp dụng nhiều hình thức xã hội hóa nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng.

Hà Nội không chỉ gặp khó với bài toán giao thông mà các lĩnh vực nước sạch, điện sinh hoạt, vệ sinh môi trường... cũng đang dần rơi vào tình trạng quá tải. Để giải quyết tốt nguồn cung điện - nước, đảm bảo vệ sinh môi trường, Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đột phá. Tuy nhiên, nếu thiếu sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, những biện pháp này sẽ khó đạt hiệu quả tối đa.

Mùa hè, mùa cao điểm của nhu cầu nước sạch sinh hoạt đang đến gần, Hà Nội hiện tiêu thụ khoảng 1.350.000m3/ngày đêm, sẽ tăng lên 1.450.000m3/ngày đêm vào năm 2018. Hiện nguồn cung của TP mới chỉ đáp ứng được khoảng 1.000.000m3/ngày và có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng vào năm 2020.
Trước mắt, Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long từ 50.000m3/ngày đêm hiện tại lên 150.000m3/ngày đêm; đồng thời uỷ quyền cho UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước trong giai đoạn trước mắt.
Trong lĩnh vực môi trường, hiện chất thải rắn của Hà Nội chủ yếu được xử lý tại các khu liên hợp Sóc Sơn, Xuân Sơn, chưa đáp ứng được nhu cầu nội tại. Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư, xây dựng các khu xử lý rác thải tại Tả Thanh Oai (Thanh Trì), Bắc Sơn (Sóc Sơn), Đồng Ké (Chương Mỹ).
Trước những khó khăn, cấp bách của Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ tiếp thu và chuyển các kiến nghị, đề xuất lên Thủ tướng tiếp tục xem xét, tạo điều kiện cho Hà Nội. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội phải vận dụng tốt các nguồn lực sẵn có, tăng cường quản lý trong các lĩnh vực để đảm bảo hiệu quả tối đa trong tình hình trước mắt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần