Hà Nội: “Cánh chim đầu đàn” trong xây dựng nông thôn mới

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/11, Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội, về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Về phía Hà Nội, có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu dự và tiếp đoàn.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình số 02 về xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân đã đạt được những kết quả tích cực.
Tính đến nay, TP đã có 7 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 6 huyện đã trình Trung ương thẩm định đạt chuẩn NTM; có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được công nhận đạt chuẩn NTM; 13 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm.
Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông thôn có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,3%. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,81% còn 0,69%, có 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm và Hoài Đức không còn hộ nghèo.
Dự kiến đến hết năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 0,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt từ 95 - 100%.
Ngành nông nghiệp của TP đã có nhiều khởi sắc. Toàn TP có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình sản xuất, mô hình liên kết chuỗi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Sản phẩm OCOP của Hà Nội đã dần khẳng định thương hiệu để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện. Năm 2020, TP phấn đấu đánh giá phân hạng khoảng 700 sản phẩm OCOP, để đạt mục tiêu đến hết năm 2020, Hà Nội đánh giá, phân hạng được 1.000 sản phẩm.
 Đoàn công tác kiểm tra tại cơ sở sản xuất rau Cuối Qúy, Đan Phượng
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, TP luôn đặt nhiệm vụ xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân lên hàng đầu. Trong 10 năm qua, TP đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình là 61.209 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 58 tỷ đồng, ngân sách TP 61.209 tỷ đồng, ngân sách huyện là 32.700 tỷ đồng; ngân sách xã là 1.520 tỷ đồng. Vốn huy động ngoài ngân sách là 5.980,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP đã bố trí 1.000 tỷ đồng ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội của TP tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. TP không còn tình trạng nợ đọng xây dựng NTM. Phong trào nhận được sự quan tâm và chung sức của toàn thể Nhân dân. Toàn bộ bộ mặt của ngoại thành đều đổi mới, khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, TP sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, nâng cao giá trị, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phấn đấu năm 2025, TP có 5 huyện được phát triển lên quận, 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao kết quả của chương trình xây dựng NTM trên địa bàn Hà Nội. Thứ trưởng cho biết, qua kiểm tra thực tế một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hạ tầng nông thôn tại huyện Đan Phượng, có thể thấy thành quả chương trình xây dựng NTM không đã thực sự hiện hữu trên các các làng quê. Các tiêu chí trong xây dựng NTM có chất lượng cao. Hà Nội xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đề nghị, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, TP xem xét nâng cao mục tiêu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, xây dựng các mô hình xử lý chất thải để giải quyết bài toán môi trường nông thôn. Cùng với đó, bố trí nguồn lực hợp lý, tiếp tục hoàn thiện nốt những xã chưa về đích và đầu tư xây dựng NTM nâng cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần