Hà Nội cấp logo nhận diện các cửa hàng kinh doanh trái cây đảm bảo an toàn

Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Công Thương Hà Nội sẽ cấp Biển nhận diện (logo) cho các cửa hàng kinh doanh trái cây khi đảm bảo đủ các điều kiện quy định trong Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành".

Chiều 24/10, tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội báo cáo về Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội".
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội báo cáo tại hội nghị.
Theo số liệu điều tra ban đầu, nhu cầu tiêu thụ trái cây tại Hà Nội khoảng 52.000 tấn/tháng. Trong khi đó, lượng trái cây trên địa bàn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, tương đương khoảng 17.000 tấn. Do đó, lượng trái cây phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô phải nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và kinh doanh tiêu dùng trái cây còn nhiều tồn tại; hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố, khu dân cư đều nhỏ lẻ, số lượng hàng hóa ít và ít chú ý đến hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa; vẫn còn tình trạng bán hàng rong trái cây trên các tuyến phố, hàng hóa không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ; vẫn còn tình trạng sử dụng hóa chất quá liều lượng, hóa chất cấm; các chế tài xử phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe các hộ kinh doanh vi phạm các quy định trong kinh doanh trái cây...

Trước thực trạng trên, Sở Công Thương đã tham mưu UBND TP về việc phê duyệt Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội". Thời gian triển khai từ tháng 8/2017 đến hết năm 2018.

Đối tượng hướng đến là quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây bao gồm các hộ kinh doanh, hợp tác xã, công ty, tập đoàn... trên các tuyến phố, khu dân cư... (không bao gồm việc kinh doanh trái cây ở chợ, siêu thị, trung tâm thương mại) thuộc 12 quận nội thành.

Một trong những mục tiêu hướng đến của Đề án là 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP và có đủ các điều kiện cần thiết khác theo quy định; nâng cao trách nhiệm, nhận thức pháp luật trong kinh doanh trái cây của các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng như đội ngũ công chức thực thi nhiệm vụ.

Phấn đấu trong năm 2017 đạt 60%, hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu và đầy đủ trang bị thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây đảm bảo chất lượng... tiến tới xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn trên toàn TP.

Tại Đề án, các cửa hàng kinh doanh trái cây phải đảm bảo 4 nhóm điều kiện về thực hiện quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; điều kiện nhân lực; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây.
 
Đề án thí điểm từ tháng 8/2017 đến hết năm 2018 theo 3 giai đoạn:

Tháng 8 - 9/2017: Xây dựng và ban hành kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, thành lập các Tổ công tác, Đoàn kiểm tra liên ngành; triển khai công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức khảo sát, điều tra cơ bản; xây dựng mẫu Biển nhận diện (logo).

Tháng 10/2017 đến tháng 2/2018: Tổ chức các chương trình khám sức khỏe, tập huấn, nâng cao nhận thức về quy định pháp luật, kiến thức về ATTP, kiến thức kinh doanh văn minh hiện đại. Hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ chủ cơ sở, người kinh doanh trái cây...; tập trung đẩy nhanh công tác xác nhận kiến thức ATTP, cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP/cam kết đảm bảo ATTP cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây, cấp Biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đảm bảo các điều kiện quy định tại Đề án.

Tháng 3/2018 đến tháng 12/2018: Tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại Đề án; hoàn thành công tác cấp Biển nhận diện, công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo ATTP được cấp biển nhận diện; tăng cường thông tin truyền thông, hỗ trợ thúc đẩy xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trái cây an toàn, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hoạt động kinh doanh của các cửa hàng trái cây trên địa bàn TP.

"Trong quá trình triển khai, các hộ đa phần đều đồng tình với Đề án, tuy vậy cũng có một bộ phận các hộ buôn bán nhỏ còn băn khoăn về lệ phí, chi phí cho trang thiết bị, Sở đã tổng hợp những vấn đề này lại báo cáo TP để có hướng xử lý.

Về việc cấp thủ tục cho các hộ kinh doanh trái cây theo Đề án, chúng tôi đang phối hợp với các quận để làm một cách nhanh nhất", Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội thông tin thêm.

Tính đến nay, qua giai đoạn 1 của Đề án, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các quận tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn triển khai Đề án cho các đối tượng (cán bộ quản lý ATTP, các cơ sở kinh doanh trái cây) trên địa bàn 6 quận Long Biên, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Đồng thời Sở đã thành lập 4 Tổ công tác.

Đến hết ngày 5/10, 12/12 quận đã hoàn thành việc điều tra, khảo sát, tổng hợp cơ sở dữ liệu cửa hàng kinh doanh trái cây. Theo kết quả điều tra, khảo sát đợt 1, trên địa bàn 12 quận hiện có 1036 cửa hàng kinh doanh trái cây.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục Quản lý Thị trường kiểm tra 6 vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh trái cây, xử lý 5 vụ, xử phạt 12,8 triệu đồng.