Hà Nội: Chất lượng không khí khu vực đô thị có cải thiện

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng không khí (CLKK) ở mức “Tốt” và Trung bình” chủ yếu tập trung vào ngày 24-25/3 và 30/3, các ngày còn lại CLKK duy trì ở mức “Kém”, ngày 27/3 xuất hiện 1 số điểm quan trắc chạm mức “Xấu”. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch rõ rệt đó là do ảnh hưởng của điều kiện khí tượng.

Theo kết quả quan trắc cho thấy CLKK trên địa bàn TP Hà Nội trong tuần này tại khu vực đô thị có cải thiện còn khu vực quan trắc CLKK giao thông lại giảm nhẹ so với tuần trước đó. Mặc dù CLKK tại các khu vực quan trắc duy trì chủ yếu ở mức “Trung bình” (tuần trước CLKK duy trì ở mức “Kém” là chủ yếu), tuy nhiên, xuất hiện 1 số trạm có CLKK chạm mức “Xấu” (màu đỏ) vào ngày 27/3, số ngày “Kém” giảm nhẹ. 24/3 là ngày có CLKK tốt nhất trong tuần này.
Chỉ số chất lượng không khí trong tuần dao động trong khoảng từ 45 – 220, tăng nhẹ so với tuần trước (43 – 189). Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, CLKK vẫn duy trì ở mức “Kém” và “Trung bình”.
Trung Yên 3 là trạm duy nhất không có ngày nào CLKK đạt mức “Tốt”; mức “Trung bình” chiếm 57.1% và mức “Kém” chiếm 14.3%. Các trạm Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ có tỷ lệ số ngày AQI ở mức “Tốt”, “Trung bình” (tăng so với tuần trước là 28.6%) và “Kém” tương tự nhau, lần lượt chiếm 14.3%, 42.9% và 42.8%; không có ngày nào chạm mức “Xấu”.
Đối với 2 điểm quan trắc CLKK giao thông đặt tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông.
 
Trong tuần này CLKK cũng có dấu hiệu giảm nhẹ. Cụ thể, tại cả hai trạm xuất hiện một ngày CLKK chạm mức “Xấu”, chiếm 14.3%, không có ngày nào đạt mức “Tốt”. Trạm Minh Khai có số ngày ở mức “Trung bình” là 28.6%, còn lại mức “Kém”; trạm Phạm Văn Đồng ghi nhận có số ngày AQI đạt mức “Trung bình” và “Kém” bằng nhau, 42.9%. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này lần lượt là 220 và 210.
Các điểm quan trắc giao thông nội đô như: Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, cũng có diễn biến tượng tự với các trạm khác, CLKK chủ yếu ở mức “Trung bình” và “Kém” ngang nhau. Hoàn Kiếm là trạm duy nhất có 1 ngày AQI đạt mức “Tốt” chiếm 14.3%, mức “Trung bình” và “Kém” đều chiếm 42.9% và không có ngày nào chạm mức “Xấu”.
Theo thống kê, tại trạm Thành Công và Hàng Đậu đếu có 1 ngày AQI chạm mức “Xấu”, chiếm 14.3%; số ngày AQI ở mức “Trung bình” và “Kém” lần lượt là 57.1% và 28.6% ở trạm Thành Công, 42.9% và 42.9% ở trạm Hàng Đậu.
Nhìn vào bảng tổng hợp chỉ số CLKK có thể thấy, CLKK có sự chênh lệch rõ rệt giữa các ngày trong tuần. CLKK ở mức “Tốt” và Trung bình” chủ yếu tập trung vào ngày 24-25/3 và 30/3, các ngày còn lại CLKK duy trì ở mức “Kém”, ngày 27/3 xuất hiện 1 số điểm quan trắc chạm mức “Xấu”.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch rõ rệt đó là do ảnh hưởng của điều kiện khí tượng. Cụ thể: Do ảnh hưởng của gió mùa, ngày 24-25/3 trời liên tục có mưa nhỏ, mưa phùn và gió nhẹ, giúp các chất thải khói bụi có thể dễ dàng khuếch tán và pha loãng lên các tầng khí quyển cao hơn nên CLKK vẫn duy trì ở mức khá ổn định.
Tuy nhiên, từ ngày 26/3 điều kiện khí tượng có sự thay đổi giống với tuần trước đó, sáng sớm xuất hiện sương mù trời âm u cả ngày. Trên toàn TP xuất hiện một lớp sương mù bao phủ ở độ cao khá thấp làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, điều kiện khí tượng không thuận lợi (nhiệt độ không khí và tốc độ gió thấp, áp suất không khí cao hơn…), các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến chất lượng không khí tại các khu vực quan trắc luôn duy trì ở mức “Kém” và ngày 27/3 có 1 số điểm quan trắc CLKK chạm mức “Xấu”.
Nhưng sang ngày 29/3, thời tiết có chuyển biến tích cực: sáng ngày 29/3 xuất hiện mưa rào nhẹ tại hầu hết toàn thành phố giúp chất ô nhiễm được rửa trôi, đồng thời nắng xuất hiện sớm và duy trì cả ngày giúp giảm hiện tượng sương mù, do đó, chất ô nhiễm dễ khuếch tán lên cao và lan ra xa hơn nên CLKK đã được cải thiện rõ rệt so với những ngày trước đó.
Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, rơm rạ, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ. Người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân; và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông … 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần