Hà Nội: Chỉ 4/34 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm bị xử phạt

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 vừa kết thúc cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là đối với chất lượng nông lâm thủy sản.

Đoàn liên ngành Hà Nội kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại một khu chợ. 
Nhằm kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, từ cuối tháng 4/2020 đến cuối tháng 5/2020, các cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành lấy 485 mẫu nông lâm thủy sản. Qua giám sát, phát hiện 37 mẫu không đạt, chiếm 7,6% tổng số mẫu.
Trong đó, có 1 mẫu chè vượt ngưỡng thuốc BVTV Acetamiprid, 21 mẫu thủy sản tồn dư Malachite Green và Leucomalachite Green, 4 mẫu thịt vượt chỉ tiêu Tổng số vi sinh vật hiếu khí và Coliform, 6 mẫu thủy sản vượt chỉ tiêu E.Coli, 4 mẫu sản phẩm rau quả vượt chỉ tiêu Tổng số vi sinh vật hiếu khí và tổng số nấm men - nấm mốc, 1 mẫu ngũ cốc vượt chỉ tiêu tổng số nấm men, nấm mốc.
Cũng trong tháng hành động vì ATTP, lực lượng thanh tra ngành nông nghiệp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 114 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Qua thanh tra, đã phát hiện 34 trường hợp có vi phạm; đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm đối với 4 đơn vị với tổng số tiền là 20 triệu đồng.
Các trường hợp còn lại chỉ bị cảnh cáo, nhắc nhở. Các lỗi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không đảm bảo điều kiện trong sản xuất, kinh doanh; hàng hóa không đủ thông tin trên nhãn mác…
Đặc biệt, để chủ động ứng phó với diễn biến dịch bệnh động vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã phối hợp với đoàn liên ngành của các quận, huyện kiểm tra 1.025 lượt cơ sở. Trong đó, cảnh cáo 11 trường hợp, kiến nghị phạt tiền 17 trường hợp với số tiền 40,6 triệu đồng.
Để đảm bảo công tác ATTP trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề xuất UBND TP chỉ đạo kiện toàn bộ máy quản lý an toàn thực phẩm, chế biến, thương mại nông sản từ tuyến TP đến xã, phường, thị trấn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, phân công, phân cấp rõ ràng. Đồng thời, tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm các cấp.