Hà Nội: Chỉ đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi có “đầu ra”

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên sở NN&PTNT - LĐ,TB&XH vừa ban hành tờ trình đề xuất UBND TP phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn Hà Nội năm 2019.

Ảnh minh họa
Theo đó, Liên sở: NN&PTNT - LĐ,TB&XH đề xuất năm 2019, đào tạo nghề cho 15.615 lao động nông thôn. Trong đó: Nghề nông nghiệp 9.060 người; nghề phi nông nghiệp 6.555 người. Tỷ lệ lao động sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Danh mục các nghề đào tạo thực hiện theo quy định đã được phê duyệt tại Quyết định số 7499/QĐ-UBND ngày 27/10/2017 và Quyết định số 3755/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 của UBND TP, gồm 33 nghề, trong đó: Nhóm nghề phi nông nghiệp 17 nghề; nhóm nghề nông nghiệp 16 nghề. Kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn Hà Nội năm 2019 là 43,6 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề gần 43,3 tỷ đồng (Kinh phí giao các địa phương thực hiện tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn); và kinh phí tuyên truyền, giám sát khoảng 300 triệu đồng.
Liên Sở đề xuất UBND TP yêu cầu các cấp, các ngành huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân vào việc triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong việc thực hiện Quyết định 1956. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Liên Sở cũng lưu ý các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo nghề đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định. Đặc biệt, chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi đã xác định được nơi làm việc (tức đầu ra) và mức thu nhập với việc làm có được sau học nghề.