Hà Nội: Chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Công văn số 4422/UBND-KT chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh.

Theo Công văn, cơ quan Thuế tăng cường kiểm tra, tổ chức thực hiện và chỉ đạo về chống thất thu, chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh. Thực hiện chống thất thu có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; kết hợp đồng bộ và hài hòa các biện pháp thanh tra, kiểm tra, khảo sát, vận động, tuyên truyền, đấu tranh để người nộp thuế tự giác kê khai doanh thu sát với thực tế.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội.
Việc chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh được thực hiện như sau: Tiếp tục triển khai chống thất thu đối với doanh nghiệp ngoài quốc dờanh và Hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, thương mại, dịch vụ theo kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm theo Thông báo số 7336/TB-TCT ngày 30/12/2016 của Tổng cục Thuế.
Tập trung lựa chọn nhóm đối tượng để kiểm tra trong 4 tháng cuối năm 2017 là những cơ sở kinh doanh: Hộ kinh doanh có quy mô lớn đáp ứng điều kiện lên doanh nghiệp nhưng chưa chuyển lên doanh nghiệp; Hộ kinh doanh sử dụng nhiều hóa đơn; Hộ kinh doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh có ngành nghề ăn uống, dịch vụ có thương hiệu nổi tiếng, hoạt động theo mô hình chuỗi có từ 2 địa điểm kinh doanh trở lên, chuyển nhượng thương hiệu; Hộ kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên, khoáng sản; Hộ kinh doanh chuyên cung cấp máy móc, thiết bị; Hộ kinh doanh chuyên cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; Hộ kinh doanh còn nợ thuế; Doanh nghiệp có liên quan mua/bán hàng hóa dịch vụ với Hộ kinh doanh có dấu hiệu rủi ro nêu trên; doanh nghiệp có cùng thương hiệu hoặc cùng địa chỉ kinh doanh với Hộ kinh doanh; Hộ kinh doanh có quy mô lớn chuyên kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu.
Việc triển khai chống thất thu thuế và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh được thực hiện trên phạm vi toàn thành phố và tập trung vào các quận, huyện, thị xã lớn.
Số lượng đơn vị phải thực hiện kiểm tra chống thất thu như sau: Đối với các quận nội thành: Mỗi Chi cục nội thành tối thiểu 60 đơn vị (10 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 50 Hộ kinh doanh). Đối với các huyện, thị xã, mỗi Chi cục ngoại thành 35 đơn vị (5 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 30 Hộ kinh doanh).
UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác chống thất thu thuế của Chi cục Thuế. Tạo điều kiện và đảm bảo an ninh, an toàn cho các Đoàn Kiểm tra liên ngành khi thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế trên địa bàn; chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn cử thành viên Hội đồng tư vấn thuế tham gia Đoàn Kiểm tra liên ngành đối với cá nhân kinh doanh; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; phối hợp với Chi cục Thuế mời các cá nhân kinh doanh gặp mặt trực tiếp để thực hiện việc vận động trước khi chính thức tiến hành kiểm tra và trong quá trình kiểm tra, để tránh phản ứng tiêu cực.
Thời gian thực hiện kiểm tra chống thất thu thuế từ tháng 9/2017 đến hết tháng 12/2017.