Hà Nội chủ động hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói, Việt Nam đã bắt đầu hội nhập quốc tế từ rất lâu, song quá trình hội nhập thực sự mới chỉ diễn ra từ sau Đại hội Đảng VI năm 1986, và đặc biệt là sau dấu mốc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995.

Có thể nói, Việt Nam đã bắt đầu hội nhập quốc tế từ rất lâu, song quá trình hội nhập thực sự mới chỉ diễn ra từ sau Đại hội Đảng VI năm 1986, và đặc biệt là sau dấu mốc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995. Trong tiến trình đó, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn thứ hai của cả nước, Hà Nội đã ghi nhận những chuyển biến mạnh mẽ, chủ động để hội nhập

Chuyển biến mạnh về cơ cấu

Những năm qua, trong điều kiện kinh tế thế giới, khu vực đối mặt với nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nhưng với nhiều giải pháp tích cực, cùng với cả nước, kinh tế Thủ đô ghi nhận những bước phát triển tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) có mức tăng trưởng bình quân 5 năm 2011 - 2015 tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân của cả nước. Quy mô GRDP năm 2015 theo giá hiện hành đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 3.660 USD, gấp 1,8 lần so với năm 2010.
Đóng gói hàng xuất khẩu sang châu Âu tại Tổng Công ty May 10.      Ảnh:  Thanh Hải
Đóng gói hàng xuất khẩu sang châu Âu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, cơ cấu kinh tế Hà Nội cũng ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ khi hướng tới chất lượng cao hơn, trong đó dịch vụ, công nghiệp chiếm vị trí chủ đạo, phát triển cả lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức (công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…). Cụ thể, trong 5 năm gần đây, giá trị tăng trưởng ngành dịch vụ khoảng 9,25%, trong đó các ngành dịch vụ cao và trình độ cao có mức tăng trưởng mạnh hơn mức tăng trưởng chung của cả ngành.

Ngành công nghiệp - xây dựng lấy lại đà tăng trưởng và tiếp tục duy trì ở mức tăng 9% trên cơ sở có chọn lọc với 5 nhóm ngành chủ lực: Điện - điện tử - thông tin; cơ - kim khí; dệt may; chế biến thực phẩm; vật liệu mới. Trong khi đó, giá trị gia tăng bình quân trong sản xuất nông nghiệp tăng 2,4%/ năm (đạt trung bình 231 triệu đồng/ha đất canh tác). Nông nghiệp được phát triển theo hướng sinh thái, từng bước ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao…

Để hội nhập là cơ hội

Với định hướng tiếp tục phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng nhanh và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo những sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, tạo môi trường lành mạnh, tăng sức cạnh tranh để hội nhập sâu rộng hơn, Hà Nội đã và đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp. Đó là thực hiện mô hình tăng trưởng kết hợp với hiệu quả phát triển theo chiều rộng với chiều sâu. Cùng với các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng GRDP từ 8,5 - 9%, Hà Nội tiếp tục thực hiện cơ cấu lại kinh tế, đặc biệt là cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, trọng điểm, đồng bộ, hiệu quả. Phát triển toàn diện các ngành kinh tế đi cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và hội nhập. Môi trường kinh doanh cũng được quan tâm cải thiện, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội phấn đấu cùng cả nước nâng chỉ số môi trường kinh doanh đạt mức trung bình ASEAN - 4, đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng hơn.

Với những kết quả và các giải pháp đang triển khai, Hà Nội đang chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động cho hội nhập.