Hà Nội chủ động và tích cực hội nhập quốc tế

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về hội nhập quốc tế TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn tại Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014, Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 của Chính phủ, trong đó chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội;

Tiếp tục khai thác lợi thế, khắc phục hạn chế, khó khăn nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa nền kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững ngang tầm với Thủ đô và TP lớn của các nước phát triển trong khu vực, đẩy mạnh và nâng cao vị thế của Thủ đô.
Các đại biểu tham gia nghi lễ khai mạc ''Những ngày Hàn Quốc tại Hà Nội 2017'' tối 8/4.
Các nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế; Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt nội dung các Nghị quyết về hội nhập quốc tế; các yêu cầu hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của hội nhập quốc tế trong từng ngành, lĩnh vực. Tuyên truyền về chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” đến các đối tác, cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt và thông báo kịp thời dư luận cho các cơ quan liên quan; tăng cường quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội; tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn đến 2020. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức về hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức, DN và Nhân dân TP bằng nhiều hình thức.

Đối với hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP, DN và sản phẩm; Phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường như: Tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch hóa tài chính và kết quả hoạt động của DN Nhà nước, từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng đối với DN thuộc thành phần kinh tế khác. Thực hiện công khai, minh bạch hóa tài chính và kết quả hoạt động của DN Nhà nước; phát triển thị trường vốn - tài chính hiện đại, minh bạch…

Hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Tăng cường đầu tư cho hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù họp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Đồng thời, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đối với hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế. Mở rộng hoạt động đối ngoại Nhân dân, góp phần tăng cường sự hiểu biết và nâng cao vị thế quốc tế của Thủ đô. Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín của Việt Nam và Hà Nội trên trường quốc tế. Tạo dựng và nâng cao mức độ tin cậy, minh bạch hóa chính sách và thực hiện nghiêm túc, nhất quán các cam kết quốc tế, mở rộng hợp tác hiệu quả giữa Thủ đô Hà Nội với Thủ đô, địa phương các nước mà Việt Nam đã và đang tham gia các cam kết quốc tế, hiệp định thương mại tự do.

Đồng thời, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và Bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và các lĩnh vực khác…

Theo Kế hoạch, UBND TP Hà Nội giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế TP Hà Nội đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch, định kỳ (6 tháng và 1 năm) tổng hợp, báo cáo UBND TP.

Các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện. Định kỳ trước 15/6 và 15/12 hàng năm, yêu cầu các đơn vị gửi báo cáo về Sở Công Thương để tổng họp, báo cáo Ban Chỉ đạo.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, các Sở, ban, ngành chủ động gửi Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định.
Độc giả có thể tìm hiểu cụ thể Kế hoạch trên TẠI ĐÂY