Hà Nội chú trọng chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục ổn định với mức tăng trưởng hàng năm đều tăng và có nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi để phát triển, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển du lịch và dịch vụ… Vị thế Thủ đô ngày một nâng cao.

Đóng góp lớn từ khối doanh nghiệp tư nhân
Trung bình 2 năm 2016 - 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,23% (mục tiêu cả nhiệm kỳ là 7,3 - 7,8% theo cách tính mới). 6 tháng đầu năm 2018, GRDP tăng trưởng khá cao, 7,07% (quý I/2018 đạt 6,98%), cao hơn mức tăng 6 tháng đầu năm 2017 (6,64%), trong đó các ngành đều tăng cao hơn mức cùng kỳ của các năm 2016, 2017.
Ứng dụng tìm kiếm trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động trên phố Lý Thường Kiệt. 
Trong kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân. 6 tháng ước có 12,1 nghìn DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký bổ sung khoảng 97.500 tỷ đồng (tăng 36% về vốn so với cùng kỳ); lũy kế đến nay trên địa bàn TP có gần 251.460 DN. Cùng với sự gia tăng số lượng người nộp thuế, nhiều DN đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh đã góp phần đáng kể vào số thu ngân sách. 6 tháng thu NSNN thực hiện ước đạt 117.000 tỷ đồng, đạt 49,1% dự toán, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn ổn định, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, quan tâm đến an sinh xã hội, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội cũng được đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa. TP đã xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 theo đúng định hướng tập trung, không dàn trải. Năm 2017, TP hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác sử dụng 81 dự án, công trình/154 công trình thực hiện cấp TP quản lý (52,6%); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng đạt 93,1%.

Tạo sức bật mới

Năm 2018, Hà Nội tiếp tục phấn đấu tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 tăng 7,3 đến 7,8% (theo cách tính mới); vốn đầu tư xã hội tăng 10,5 - 11%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 7,5 đến 8%, Hà Nội cũng đặt mục tiêu số DN thành lập mới tăng từ 12%. Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018, lãnh đạo TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm.

"Xây dựng TP thông minh là hướng đi bắt buộc của các đô thị lớn. Việc xây dựng Chính phủ điện tử và TP thông minh sẽ giúp Hà Nội giảm chi phí quản lý của bộ máy chính quyền, chi phí của DN và là công cụ chính để cải cách hành chính. Với Hà Nội, xây dựng TP thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ." - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ðức Chung

Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ, đồng thời quyết liệt thực hiện chủ đề 2018 của TP "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" và Chương trình hành động của TP với 18 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, từ đó chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm gia công, lắp ráp, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận thông tin thị trường, chính sách xuất, nhập khẩu của các nước, các Hiệp định thương mại (FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết... Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền sử dụng đất…

Về dịch vụ, tập trung thu hút đầu tư phát triển các dự án hạ tầng logistics, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, đẩy mạnh kích cầu du lịch…; Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong đó đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp để thúc đẩy phát triển DN tư nhân. Khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy DN khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo để tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư; trong đó, tập trung vào nhóm chỉ số xếp hạng về cạnh tranh PCI còn thấp; chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính công PAPI. Rà soát, thực hiện cải cách hành chính đối với các thủ tục về đầu tư xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Tổ chức đối thoại với DN, người dân ở các cấp, ngành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở. Đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, giải quyết dứt điểm những vấn đề dân sinh bức xúc, phản ánh của báo chí và Nhân dân…
 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Vinmart Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Hoài Nam
Nỗ lực phục vụ người dân, DN

Quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2018, TP xác định khoa học - công nghệ là công cụ, chìa khóa tác động không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các lĩnh vực. Không chỉ dừng lại ở quản lý hành chính, việc ứng dụng CNTT còn giải quyết các vấn đề thiết thực trong mọi mặt đời sống như quản lý giao thông, đô thị, y tế, du lịch, cung cấp thông tin về chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng... cho người dân.
Trong quản lý trật tự đô thị, quản lý đô thị thông minh bằng công nghệ số là xu hướng tất yếu, đặc biệt là các đô thị có qui mô lớn như Thủ đô Hà Nội. TP đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô-tô qua điện thoại di động (iParking) và tích cực mở rộng mô hình tại 161 điểm trông giữ; Hay trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ đăng ký thành lập DN qua mạng lên 100%, ứng dụng công tác kê khai nộp thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm… nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN. Sau nhiều nỗ lực, TP đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội. Đồng thời, tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu DN để hỗ trợ Sở KH&ĐT kiểm tra chéo trong quá trình cấp đăng ký kinh doanh; kiểm soát cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành, nghề và các dịch vụ đặc biệt...

Nhiều năm gần đây, Hà Nội luôn là địa phương nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT. Trong đó, tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua mạng đạt cao nhất cả nước. Liên tiếp đứng ở vị trí top đầu trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, TP về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số. Kết quả này không chỉ thể hiện sự nỗ lực của Hà Nội nhằm phục vụ tốt hơn người dân và DN mà còn cho thấy hướng đi đúng của TP trong thời gian qua.

Hà Nội đặt ra nhiệm vụ trong giai đoạn 2016 - 2020 là hoàn thành cơ bản việc xây dựng chính quyền điện tử. Trên thực tế, Hà Nội đã từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu này. Đến hết quý I, Hà Nội đã đưa vào hoạt động 611/1.853 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đạt 32,9% tổng số dịch vụ công của cơ quan hành chính TP. Năm 2018, Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành 65% số thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Khuyến khích, hỗ trợ người dân và DN tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của TP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.