Hà Nội chú trọng đầu tư y tế cơ sở phục vụ Nhân dân

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/4, UBND TP Hà Nội và Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị về công tác khám chữa bệnh, công tác, phòng chống dịch trên địa bàn TP và công tác phối hợp giữa hai bên.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị.
Chủ động trong công tác phòng dịch
Ngay từ đầu năm 2018, Hà Nội đã chủ động công tác phòng dịch; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường khử khuẩn, chủ động phòng bệnh tay chân miệng ở hơn 1.300 trường mầm non, mẫu giáo; chủ động phòng dịch SXH xuất huyết; ký cam kết phòng dịch giữa Sở Y tế với các quận huyện thị xã; nghiêm túc thực hiện giám sát dịch. Tính đến hết tháng 3/2018, hầu hết các dịch bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ: giảm 84% trường hợp sốt xuất huyết, giảm 36 trường hợp ho gà…
Về công tác khám chữa bệnh, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, số lượt khám chữa bệnh hàng năm ở Hà Nội là từ 5,8 đến 6,4 triệu người. Năm 2018, Hà Nội có kế hoạch giường bệnh là 11.010 giường bệnh. Cơ bản không còn tình trạng nằm ghép. Hiện tượng quá tải chỉ xảy ra cục bộ ở một số nơi như: khoa Sơ sinh, Nội – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; khoa Ngoại – Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện Phụ sản…
Ngoài ra, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân; triển khai 2 Bộ quy tắc ứng xử tại cơ quan đơn vị và nơi công cộng của TP. Năm 2017, Sở Y tế đã khảo sát 67 bệnh viện trong và ngoài công lập đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân, nhân viên y tế. Kết quả đạt được rất tích cực khi 84,2 % bệnh nhân điều trị ngoại trú đánh giá hài lòng và rất hài lòng; 91,36% bệnh nhân nội trú hài lòng và rất hài lòng. Hà Nội đã chú trọng quản lý chất lượng các bệnh viện, phát triển chuyên sâu nhiêu kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương.
Đến nay, Hà Nội đã có 5 bệnh viện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên là các bệnh viện: Tim Hà Nội, Hòe Nhai, Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội. Năm 2018, sẽ có thêm 13 bệnh viện tự chủ; 16 bệnh viện còn lại sẽ thực hiện trong năm 2019.
Công tác y tế cơ sở của Hà Nội cũng được đổi mới, với 103 phòng khám bác sỹ gia đình được thành lập; triển khai lập hơn 2,4 triệu hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử; tầm soát ung thư đại tràng cho 130.000 người trên 40 tuổi (dương tính 5,2%)…

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, ngành y tế Thủ đô cũng gặp không ít khó khăn như: đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao còn thiếu ở cơ sở; số cơ sở hành nghề y dược lớn, đa dạng, phức tạp; giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ; các bệnh viện dùng phần mềm riêng khiến không thể kết nối, liên thông.
Làm mẫu trạm y tế đạt chuẩn giống mô hình của Singapore
Tại buổi làm việc, TP kiến nghị, đề xuất với Bộ Y tế 10 nội dung. Trong đó, hỗ trợ Hà Nội trong công tác dự báo tình hình dịch bệnh, triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP; cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ gia đình; sớm ban hành giá dịch vụ y tế phù hợp với mức lương cơ sở hiện nay…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao ngành y tế Hà Nội trong công tác phòng chống dịch, nâng cao cơ sở hạ tầng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong phòng chống sốt xuất huyết, thực hiện công tác khám nâng cao sức khỏe, tầm soát ung thư...
Với các kiến nghị của Hà Nội để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tăng chỉ tiêu đào tạo bác sỹ nội trú cho Hà Nội từ 25 chỉ tiêu/năm lên 50 chỉ tiêu/năm. Bộ trưởng cũng đồng ý cho phép bệnh viện hạng I là cơ sở đào tạo bác sỹ nội trú.
“Hà Nội không thiếu nhân lực về bác sĩ nhưng thiếu bác sĩ đầu ngành giỏi. Vì vậy nếu trường nội trú quá tải thì chuyển sang đào tạo nội trú tại bệnh viện”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Hà Nội còn thiếu bác sỹ y tế dự phòng, vì vậy đề nghị TP Hà Nội lập dự án để cùng các cơ quan liên quan của Bộ Y tế tạo được đột phá về nguồn lực bác sĩ dự phòng trong thời gian sắp tới, còn về nhân lực ở trạm y tế xã, Bộ Y tế hướng tới đào tạo bác sĩ gia đình.
 Toàn cảnh hội nghị.
Về hạ tầng, Hà Nội có nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư, vì vậy cần mở thoáng cho tư nhân đầu tư nhất là cơ sở khám chữa bệnh; trạm y tế xã phường kết hợp công tư như TP Hồ Chí Minh đang thực hiện... Bày tỏ băn khoăn về nguy cơ xảy ra dịch lớn, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Hà Nội đặc biệt chú ý về công tác dự phòng từ công tác tiêm chủng; phòng chống sốt xuất huyết, sởi và an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Hà Nội làm mẫu về trạm y tế đã có đạt chuẩn giống mô hình của Singapore về trạm y tế xã phường đạt chuẩn, đặc biệt là làm mẫu mô hình bác sĩ gia đình. Đồng thời, đề nghị Hà Nội làm mẫu về trung tâm phân phối thuốc; làm mẫu về chất lượng bệnh viện; làm mẫu về chương trình sữa học đường để nâng cao chiều cao, sức khỏe... “Đây là 4 mô hình Hà Nội cần làm mẫu để nâng cao sức khỏe cho người dân” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chú trọng đầu tư đồng bộ
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Về ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP sẽ triển khai ngay để sắp xếp lại các trung tâm y tế, quán triệt với các quận huyện để sắp xếp gọn, quy định rõ chức năng nhiệm vụ, xây dựng quy chế, quy trình, phối hợp chỉ đạo giữa TP và quận huyện để công tác y tế bảo đảm hiệu quả nhất.
Về bộ máy tổ chức, toàn bộ y tế dự phòng đã được sáp nhập, trong thời gian tới sẽ rà soát chức năng nghiệm vụ để đặt lại tên cho phù hợp. Về hạ tầng, trạm y tế xã phường còn 24 trạm để bảo đảm 584 xã phường đều có trạm y tế.
Về nhân lực tại các trạm y tế hiện có 584 xã, phường; có phường đã có bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện của Trung ương, nên địa bàn Hà Nội có đặc thù cần tính toán để vận dụng cho phù hợp trên tinh thần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế.
Về chống quá tải, Hà Nội đang thực hiện 3 giải pháp, sắp xếp lại khoa phòng tại bệnh viên Xanh Pôn, bệnh viện Thanh Nhàn...; tăng số giường; cho thí điểm mô hình cơ chế tư nhân liên danh bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Đối với xây dựng trạm y tế mẫu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Bộ Y tế giúp đỡ TP trong quá trình xây dựng mô hình mẫu. Theo Chủ tịch UBND TP, trong quá trình chọn bệnh viện mẫu, Hà Nội đã hợp tác với một số bệnh viện của của Pháp để khảo sát và kết quả khảo sát cho thấy chung quan điểm trình độ bác sĩ, y tá, điều dưỡng của Hà Nội đều không thua kém thế giới nhưng còn kém thế giới về quy trình khám chữa bệnh chưa rõ ràng, cơ sở vật chất chưa đồng bộ; cơ sở vật chất không tuân thủ theo tiêu chí tiêu chuẩn đồng bộ.
Vì vậy, TP Hà Nội đang xây dựng quy hoạch đánh giá lại để xây dựng ngành y tế đúng tiêu chuẩn. Cụ thể là định hướng đến năm 2020, TP định hướng xây dựng bệnh viện Xanh Pôn là bệnh viện đúng tiêu chuẩn.