Hà Nội có 457 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/12, Sở TT&TT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, khai trương cổng thông tin doanh nghiệp. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Hưng; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý tặng Bằng khen của UBND TP cho các tập thể, cá nhân.
Hà Nội đã triển khai và đưa vào vận hành 81 dịch vụ công trực tuyến
Theo Sở TT&TT Hà Nội, trong năm 2017 công tác TT&TT tiếp tục ổn định và nâng cao chất lượng. Công tác quản lý nhà nước về thông tin, báo chí, xuất bản tiếp tục thực hiện có hiệu quả; các hoạt động thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ trọng tâm của TP; triển khai tích cực hoạt động văn hóa đọc. Ngoài ra, đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, đột xuất được UBND TP giao ngay từ những ngày đầu năm mới.
Trong đó, đề xuất xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều mô hình mới, nhiều giải pháp có tác động tích cực thúc đẩy phát triển CNTT trên địa bàn, như: Phố sách Hà Nội, Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội, Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp TP Hà Nội (StartupCity.vn), Hệ thống dịch vụ công trực tuyến và 1 cửa điện tử...
Đặc biệt, năm 2017, Hà Nội đã triển khai và đưa vào vận hành chính thức 81 dịch vụ công trực tuyến, tăng 74 dịch vụ so với năm 2016 tới 10 Sở (65 dịch vụ), 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn (16 dịch vụ) và tiếp nhận các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ chuyên ngành triển khai cho TP, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến của TP hiện có lên 457 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (tăng 45% so với năm 2016) đạt gần 24% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước TP. Dự kiến, hết năm 2017 sẽ hoàn thành thêm 154 dịch vụ mức độ 3 nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 32%.
Đồng thời, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong quá trình triển khai dịch vụ công mức 3, 4, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tổ chức trong giao tiếp với chính quyền, nâng tỷ lệ hồ sơ giao dich qua mạng cao hơn nhiều so với năm 2016. Công tác đảm bảo an toàn thông tin được duy trì thường xuyên.
Năm 2018, Sở sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT. Triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành đã được Thành phố phê duyệt; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát quy chế, quy trình làm việc, tăng cường ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, DN và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển lĩnh vực TT&TT của TP Hà Nội nói riêng...
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2018 của ngành TT&TT Hà Nội là: Cần tích cực tham mưu cho lãnh đạo TP trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; từng bước triển khai các thành phần hướng tới TP thông minh - nhiệm vụ cốt lõi và xuyên suốt là xây dựng chính phủ điện tử. Lựa chọn thuận lợi của khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề bức xúc như giao thông, y tế, môi trường. Hoàn thành đúng tiến độ lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4-cần thực tiễn và công minh, gắn kết với CCHC.
Ứng dụng công nghệ để kết nối chính quyền với doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý biểu dương, ghi nhận những kết quả trong lĩnh vực CNTT, đồng thời nêu rõ một số nhiệm vụ đối với ngành trong năm 2018 như: Đẩy mạnh quản lý về TT&TT, quản lý thông tin báo chí, mạng xã hội, kịp thời chấn chỉnh thông tin sai lệch, nâng cao tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của TP; đẩy mạnh văn hóa đọc... Khẩn thương tham mưu ứng dụng CNTT, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật...
Về nhiệm vụ năm 2018, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngỗ Văn Quý đề nghị Sở TT&TT cần thực hiện 5 trọng tâm: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin - báo chí, xuất bản và truyền thông. Tăng cường quản lý thông tin trên báo chí, hệ thống báo điện tử, mạng xã hội, các blog, kịp thời chấn chỉnh đối với các trường hợp thông tin sai lệch; Nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyên truyền về các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của TP. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập theo chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị.

Thứ hai, Sở TT&TT khẩn trương tham mưu cho TP tiếp tục triển khai quyết liệt Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 (đã được điều chỉnh); trong đó, chú trọng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuât, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành; triển khai Trung tâm giám sát, điều hành CNTT của TP và triển khai một số thành phần cơ bản của TP thông minh như: Giao thông, y tế, du lịch, giáo dục thông minh...; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống ứng dụng phục vụ hoạt động điều hành nội bộ như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành thống nhất liên thông 3 cấp trên toàn địa bàn TP và kết nối với Văn phòng Chính phủ; Nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ; Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, sử dụng thiết bị CNTT trong phục vụ công tác điều hành tác nghiệp... Tăng cường triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, phục vụ người dân, DN và đảm bảo an toàn thông tin.

Thứ ba, phát huy hiệu quả Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo, tiếp tục ươm tạo những ý tưởng đổi mới sáng tạo thành những sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT mang lại giá trị kinh tế cao; tạo ra doanh thu và lợi nhuận, đóng góp cho phát triển chung của kinh tế Thủ đô.

Thứ tư, cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc quản lý và sử dụng chung cơ sở hạ tầng, định hướng, đôn đốc các doanh nghiệp phát triển hạ tầng dùng chung, xã hội hóa hoạt động xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị. Triển khai hiệu quả Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn TP đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển hạ tầng, nhằm hỗ trợ tích cực cho triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn.

Thứ năm, việc chính thức đưa Cổng thông tin DN Hà Nội vào hoạt động sẽ là địa chỉ cung cấp những thông tin hữu ích cho DN về: Môi trường pháp luật, tài chính, ngân hàng, tuyển dụng lao động, sự kiện thương mại, thông tin về sản phẩm, dịch vụ và những đối tác kinh doanh tiềm năng; Hỗ trợ DN trao đổi, chia sẻ, kết nối và triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh. Đồng thời, đây cũng là một kênh giao tiếp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội với cộng đồng DN. Đề nghị Sở quản lý hoạt động tốt Cổng thông tin Dn Hà Nội để phát huy hiệu quả tích cực hỗ trợ cho các DN trên địa bàn phát triển, đặc biệt đối với các DN vừa và nhỏ.
Các đại biểu ấn nút khai trương Cổng Thông tin Doanh nghiệp Hà Nội.
Cũng tại Hội nghị, đã diễn ra lễ khai trương Cổng Thông tin DN Hà Nội và ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ DN giữa Trung tâm giao dịch CNTT-TT với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.