Hà Nội coi nguồn lực từ DN là nòng cốt để phát triển Thủ đô

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giai đoạn năm 2016 - 2020, Hà Nội phấn đấu đạt tăng trưởng năm từ 8,5 - 9,0%; GRDP bình quân/người đến năm 2020 đạt từ 6.700 - 6.800 USD… Để thực hiện mục tiêu trên, TP cần huy động khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội.

Huy động 80% nguồn lực từ doanh nghiệp
Tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về thu hút đầu tư Hà Nội, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP xác định để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), với tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là: 8,5 - 9,0%; GRDP bình quân/người: 6.700 - 6.800 USD và thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội cần huy động khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội.

Trong đó, vốn đầu tư ngân sách chiếm khoảng 20%; vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 80%. Tức là, đầu tư của DN trong và ngoài nước sẽ là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trao đổi kinh nghiệm thu hút đầu tư.
Quan điểm đầu tư của TP là Ngân sách Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào những dự án (DA) hạ tầng kỹ thuật khung; những DA trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển KT-XH; những DA mang tính đặc thù nhà nước. Đối với các DA khác, TP kêu gọi đầu tư xã hội theo nhiều hình thức: PPP, xã hội hóa (XHH), FDI và vận động ODA cho các DA lớn chậm thu hồi vốn…

Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đã rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách mới để tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội, như: Cơ chế XHH, đặt hàng DN xây dựng nhà tái định cư; quy hoạch cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ; các khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn; XHH cấp nước sạch khu vực nông thôn, xử lý ô nhiễm tại môi trường tại các hồ; XHH hạ ngầm đường dây điện, viễn thông, thay đổi cách thức quản lý hạ tầng bưu chính - viễn thông; Tăng diện tích đỗ xe của các công trình cao tầng để từng bước giải quyết tình trạng thiếu chỗ đỗ xe trong khu vực đô thị.

“Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của TP trực tiếp giới thiệu các cơ hội đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư và đồng hành cùng các nhà đầu tư để các dự án có thể triển khai thực hiện nhanh chóng, đóng góp kết quả thiết thực cho DN, cho xã hội”, ông Nguyễn Mạnh Quyền thông tin.

Như tại 2 Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển (năm 2016, 2017), Hà Nội đã giới thiệu 231 DA, với tổng mức đầu tư dự kiến 1,81 triệu tỷ đồng. Trong đó, TP đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 71 DA, với tổng mức đầu tư là 111,3 nghìn tỷ đồng. Tại 2 Hội nghị, Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nhà đầu tư với nhiều DA mới được đề xuất thêm ngoài danh mục DA mà TP đã giới thiệu. Ngoài ra, trong chuyến tham gia Đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác, điển hình là: Ký biên bản ghi nhớ hợp tác với đối tác Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội với số vốn 5,2 tỷ USD; ký 15 Biên bản ghi nhớ với tổng số là 134,79 nghìn tỷ đồng...

Tổng cộng, năm 2016, Hà Nội đã thu hút 3,11 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (tăng 2,93 lần so với với năm 2015); Cấp chủ trương đầu tư cho 150 DA trong nước với số vốn là 141,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị là 82 DA với tổng số vốn là 114,7 nghìn tỷ đồng.

38 DA theo hình thức đối tác công tư PPP, đến nay, các nhà đầu tư đăng ký thực hiện, với tổng mức đầu tư dự kiến là 153,9 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị là 36 DA với tổng mức đầu tư là 151,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã thu hút 301 dự án FDI vốn đăng ký 1,355 tỷ USD. Hà Nội đã cấp chủ trương đầu tư cho 98 DA trong nước với số vốn 68,97 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị là 61 DA với tổng số vốn là 65,6 nghìn tỷ đồng. 75 DA theo hình thức đối tác công tư PPP có nhà đầu tư đăng ký thực hiện với tổng mức đầu tư dự kiến là 123,6 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị là 71 DA với tổng mức đầu tư là 120,9 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP cũng thành công trong việc vận động, thu hút các nhà đầu tư, DN tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, BVMT. Kết quả, có 26 nội dung cam kết thuộc 10 chương trình với mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng tại Hội nghị năm 2016 và Chương trình an sinh xã hội năm 2017 là những việc làm thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo nên diện mạo mới cho Hà Nội. Nhiều chương trình hoàn thành và đang triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả như “Chương trình 1 triệu cây xanh”, lắp đặt quan trắc mặt nước, quan trắc không khí, cơ giới hóa vệ sinh môi trường, cắt tỉa cây xanh, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm…

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đặc biệt chú trọng, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư. Thời gian qua, TP đã tập trung rà soát tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) của các sở ban ngành, trên cơ sở đó, cắt giảm, phối hợp liên thông các TTHC. Kết quả, Chỉ số PCI năm 2016 thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt, tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành. Thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực ĐKKD giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm 40 - 60%, trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%... Hoạt động của Tổ công tác liên ngành TP đã giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục các DA đầu tư đến 43%.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử đạt kết quả bước đầu, giảm thời gian và chi phí cho DN như: Hiện đại hóa trong việc giải quyết TTHC; xây dựng, triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực: Đất đai; lao động chất lượng cao; thị trường (kết nối liên kết vùng nguyên liệu, kết nối thị trường trong nước và nước ngoài); hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng quản trị DN.

Những kiến nghị của Hà Nội với Trung ương

Đến nay, TP Hà Nội đã có 25 DA giao thông và bãi đỗ xe được các nhà đầu tư đăng ký, triển khai thủ tục đầu tư với tổng mức đầu tư là 262.816 tỷ đồng. Trong năm 2017, dự kiến sẽ triển khởi công các DA: Khép kín đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Quốc lộ 6: Ba La - Xuân Mai…

Ngoài ra, hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đầu tư trong lĩnh vực cấp nước sạch. Tính đến nay, TP đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 23 DA với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng. Đã khởi công Nhà máy nước mặt sông Đuống. Các DA hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên 86,6%, tăng 49,4% so với thời điểm cuối năm 2016; sẽ có thêm khoảng 2 triệu người dân ở 200 xã được dùng nước sạch.

Về xử lý nước thải, rác thải theo công nghệ hiện đại, Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ngoài nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang triển khai xây dựng, hiện đang có 2 DA hệ thống thu gom nước thải tại Yên Sở và Long Biên, đang tiến hành các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, TP đã khởi công Công viên Kim Quy; Khu công viên và hồ điều hòa CV1 khu đô thị mới Cầu Giấy, Nhà hát Hoa Sen và nhiều công viên khác đang được triển khai các thủ tục để sớm khởi công. Bên cạnh sự hưởng ứng của các DN, Hà Nội cũng nhận được sự tích cực của Nhân dân Thủ đô, đã ủng hộ TP trong GPMB để các DA này nhanh chóng được triển khai, đi vào hoạt động.

Để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư các DA, UBND TP đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phân cấp, ủy quyền cho TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các DA đầu tư công nhóm A vốn ngân sách TP.

Đối với các DA có sử dụng đất, nhất là các DA có quy mô diện tích và tổng vốn đầu tư lớn, có nhiều đóng góp cho phát triển KT-XH, đô thị, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phân cấp cho UBND TP được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc chủ động xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có quy mô diện tích và tổng vốn đầu tư lớn, đóng góp quan trọng cho thúc đẩy phát triển KT-XH, phát triển đô thị TP.