Hà Nội còn 13 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới các xã, phường, thị trấn ven đê do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội tổ chức sáng 28/4.

Thi công dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì. Ảnh Hanoi.gov.vn

Theo đó, 3 trọng điểm được xác định là: Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu, công trình cống Liên Mạc và cụm công trình cống qua đê Yên Sở. 10 vị trí đê điều xung yếu gồm: Kè Khê Thượng (Ba Vì), đê Sen Chiểu và đê Vân Cốc (Phúc Thọ), kè Liên Trì (Đan Phượng), kè An Cảnh (Thường Tín), kè Quang Lãng (Phú Xuyên), đê hữu Đuống (Long Biên), đê - kè Đổng Viên và đê tả Đuống (Gia Lâm), đề - kè - cống Tân Hưng - Cẩm Hà (Sóc Sơn). Ngoài ra, trên địa bàn 11 quận nội thành còn có 18 điểm có nguy cơ ngập úng cao.

Tại hội nghị, trên 850 đại biểu, đại diện cho 213 xã, phường, thị trấn ven đê đã được thông tin về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý đê điều; các biện pháp bảo đảm công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra, và nhận định diễn biến thời tiết, thiên tai năm 2017. Nhằm làm tốt công tác tuyên truyền ứng phó thiên tai, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đã có hướng dẫn số 35-HD/BTGTU, trong đó nhấn mạnh trong tuyên truyền ứng phó thiên tai, cần chú trọng công tác phòng, chống; khả năng chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra…