Hà Nội công bố 6 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử: Minh bạch, kịp thời

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin Hà Nội công bố 6 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, tỷ lệ 1/2.000 vừa được UBNDTP Hà Nội phê duyệt, đã thu hút sự quan tâm của không chỉ đông đảo người dân trong khu vực mà còn có sự lan tỏa trong cộng đồng về sự minh bạch kịp thời của chính quyền TP. Qua đó, tránh sự lợi dụng của kẻ xấu với những thông tin lập lờ, đồn thổi, gây hoang mang trong dư luận.

Không phải vô cớ mà người dân Thủ đô lại vui mừng đến thế, trước sự kiện công bố 6 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, tỷ lệ 1/2.000 được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 19/3/2021. 6 đồ án quy hoạch này là dấu mốc quan trọng để TP cải tạo, xây dựng, tổ chức sắp xếp lại các chức năng sử dụng đất nhằm phát triển đô thị cân bằng, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
 
Không chỉ vậy, việc công bố quy hoạch sau khi được phê duyệt chỉ 3 ngày - ngày 22/3/2021 của TP Hà Nội thực sự là bước tiến đột phá trong quản lý của chính quyền TP, bước đầu tránh được những hệ lụy không đáng có (ví như trục lợi thông tin chưa rõ ràng để đẩy giá, tạo sóng bất động sản một cách phi thực tế) hoặc tránh được tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân trong diện quy hoạch.

Nói vậy bởi thực tế thời gian qua đã có nhiều bài học về sự buông lỏng quản lý, thiếu định hướng trong quy hoạch, không công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời dẫn đến nhiều hệ lụy, những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài. Câu chuyện về tuyến phố dài 1,5km nối đường Nguyễn Văn Cừ và đê Tả ngạn thuộc quận Long Biên (Hà Nội) hay dự án đường Trường Chinh (Hà Nội) mở rộng, tranh chấp tại Khu Ngoại giao đoàn (Hà Nội) là những bài học điển hình. Khi người dân bị thu hồi giải phóng mặt bằng hoặc bị chèn lấn không gian sống do thay đổi quy hoạch bức xúc, khiếu kiện đông người, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng mới công bố thông tin, tuyên truyền giải thích.

Việc minh bạch hóa thông tin là cách tốt nhất giải quyết những vướng mắc trong câu chuyện quy hoạch hiện nay. Do vậy, sau công bố 6 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, tỷ lệ 1/2.000, rất cần được công khai cụ thể trên các phương tiện truyền thông, tới tổ dân phố để người dân nắm được. Đồng thời, TP cần tiếp tục xác định được chương trình ưu tiên, minh bạch quy hoạch chi tiết từng phân khu tiếp theo, theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Bởi lẽ, một trong những mục tiêu quan trọng của các bản quy hoạch lần này là từng bước thực hiện lộ trình giãn dân khu vực đô thị lõi, theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về lâu dài trong giai đoạn đến năm 2030, khi TP triển khai đồng bộ các dự án di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị... quả là thời gian không ngắn với nhiều vấn đề cần giải quyết, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.