Hà Nội: Công đoàn nghiên cứu tổ chức mô hình “Siêu thị 0 đồng” để hỗ trợ người lao động

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19, Công đoàn Thủ đô sẽ nghiên cứu tổ chức mô hình “Siêu thị 0 đồng” và “Tổ ứng cứu khẩn cấp” để hỗ trợ, cung cấp kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị cách ly, phong tỏa, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Hôm nay (24/6), Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã ký ban hành Kế hoạch số 34/KH-LĐLĐ về “Ổn định quan hệ lao động và chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19”.
Theo đó, mục đích đặt ra là phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19; đồng hành với doanh nghiệp (DN) thực hiện mục tiêu kép trong phòng chống dịch bệnh, vượt qua khó khăn, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của đoàn viên, NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn TP. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP yêu cầu, việc triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo thiết thực, hiệu quả, kịp thời; trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; linh hoạt, bám sát chức năng của tổ chức công đoàn, phù hợp đặc thù từng địa phương, DN. Hai nội dung chính được đặt ra trong Kế hoạch này là ổn định quan hệ lao động, đảm bảo đời sống, việc làm của NLĐ và chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ.
Trong đó, các cấp công đoàn TP sẽ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, các nội quy, quy chế của DN có liên quan quyền lợi và các chế độ phúc lợi để người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ biết, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện; vận động công nhân lao động thi đua lao động giỏi, tăng năng suất lao động, khắc phục khó khăn, đoàn kết, đồng sức đồng lòng cùng DN duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm vượt qua đại dịch Covid-19. Đồng thời, cần thông qua công đoàn cơ sở (CĐCS) thường xuyên nắm chắc số lượng DN, mức độ bị ảnh hưởng và số NLĐ bị thiếu hoặc mất việc làm do dịch Covid-19 để có phương án hỗ trợ. Khi có vướng mắc phát sinh, công đoàn cần khẩn trương tổ chức đối thoại NSDLĐ, nhằm kịp thời giải quyết, tránh tranh chấp lao động và đình công xảy ra. Bên cạnh đó, công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ CĐCS tham gia với NSDLĐ xây dựng phương án sản xuất, phương án sử dụng lao động phù hợp đặc thù DN, hạn chế thấp nhất việc cắt giảm lao động; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ bị ngừng, mất hoặc thiếu việc làm do dịch bệnh; tuyên truyền, vận động NLĐ chia sẻ với phương án, quyết định của NSDLĐ. 
 Công nhân trong giờ sản xuất tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy Yamaha Motor (KCN Bắc Thăng Long)
Đặc biệt, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP đề nghị các cấp công đoàn lập các nhóm Zalo, xây dựng lực lượng “Công nhân nòng cốt” ở DN có đông công nhân, các khu CN&CX để nắm bắt thường xuyên, kịp thời tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của CNLĐ và quan hệ lao động; đảm bảo An toàn vệ sinh lao động, an toàn phòng chống dịch Covid-19; duy trì hiệu quả hoạt động “Tổ an toàn Covid-19” tại DN, trong đó hằng tuần CĐCS tự đánh giá mức độ nguy cơ lây nhiễm, đề xuất, kiến nghị với NSDLĐ có biện pháp khắc phục xử lý kịp thời. Cùng đó, cần lập hồ sơ quan hệ lao động ở các DN trên địa bàn, phân loại DN có nguy cơ dễ xảy ra tranh chấp lao động, đình công để có phương án, kịch bản ứng phó, tránh bị động. 
Về nội dung chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ, các cấp công đoàn TP sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 theo quyết định 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Tổng LĐLĐ, hướng dẫn 10/HD-LĐLĐ ngày 27/5/2021 và Văn bản 353/LĐLĐ ngày 17/6/2021 của Liên đoàn Lao động TP đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; ưu tiên nguồn lực tài chính công đoàn để thực hiện nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ mà trước tiên là ở các đơn vị, DN có CĐCS và DN chưa có CĐCS nhưng đã thực hiện đóng kinh phí công đoàn. Đồng thời, sẽ tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và kiến nghị, đề xuất chính quyền, MTTQ địa phương cùng tổ chức công đoàn chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn.
Đáng chú ý, Công đoàn Thủ đô sẽ nghiên cứu tổ chức mô hình “Siêu thị 0 đồng” và “Tổ ứng cứu khẩn cấp” để hỗ trợ, cung cấp kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn hoặc CNVCLĐ bị cách ly, phong tỏa, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Đồng thời, các CĐCS chủ động đề xuất với NSDLĐ chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ tại đơn vị; dành nguồn kinh phí của DN mua vaccine tiêm phòng dịch bệnh Covid-19 cho CNVCLĐ.
Về kinh phí để thực hiện Kế hoạch này, nguồn kinh phí chi hỗ trợ được cân đối trong dự toán thu, chi tài chính công đoàn được giao năm 2021 tại các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Nếu sử dụng tài chính công đoàn tích lũy, các đơn vị báo cáo Liên đoàn Lao động TP xem xét quyết định. Song song đó, sử dụng nguồn hỗ trợ của các cấp chính quyền, MTTQ và nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân; tài chính CĐCS; nguồn Quỹ xã hội Liên đoàn Lao động TP và công đoàn cấp trên cơ sở. Liên đoàn Lao động TP cũng sẽ xem xét cấp hỗ trợ đối với một số đơn vị không cân đối được nguồn hỗ trợ cho CNVCLĐ.