Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thế Hùng.
Phối hợp chặt chẽ để giải quyết việc cấp GCN QSD đất
Tại hội nghị, ngoài báo cáo với Bộ TN&MT về kết quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT, UBND TP đã kiến nghị 18 nội dung cơ chế, chính sách về lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ môi trường nhằm phù hợp với thực tiễn Hà Nội. Trong đó có kiến nghị liên quan đến vấn đề đất đai, GPMB như đề nghị Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng xác định cụ thể về tiêu chí phân loại Dự án khu đô thị mới, khu nhà ở; nghiên cứu và cho phép tính tiền sử dụng đất theo phương pháp hệ số, đặc biệt trong việc bồi thường, hỗ trợ đất ở… 5 vấn đề kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và 5 vấn đề liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Các đơn vị của Bộ TN&MT đánh giá, nhiều năm qua, công tác quản lý của Sở TN&MT Hà Nội có chuyển biến tích cực. Năm 2017, Hà Nội đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đạt 7.955 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng. Tổng thu tài chính từ đất năm 2017 là 37.128 tỷ đồng, chiếm 15% tổng thu ngân sách TP.
Một trong những vấn đề “nóng” nhất của Hà Nội hiện này là liên quan đến việc cấp GCN quyền sử dụng đất. Các đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu rơi vào vấn đề này. Hà Nội còn vướng ở nhóm đất trước kia là trường học, sau đó phân cho cán bộ, công nhân viên; đất không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, ngay ở nơi Bộ trưởng đang ở, có người dân còn gặp nhiều thủ tục nhiêu khê ở cấp phường. “Đây là có trách nhiệm của cả Bộ. Bộ sẽ cử Thanh tra phối hợp với TP kiểm tra, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Cho biết Hà Nội đã mời lãnh đạo các đơn vị được cấp đất ở khu vực quận Cầu Giấy lên gặp gỡ đối thoại, nhưng đến nay đã quá hạn cam kết của các đơn vị này. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mong muốn Bộ TN&MT hỗ trợ Thủ đô xử lý, thu hồi các khu đất này để tránh lãnh phí. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để kiểm tra, thanh tra các dự án được giao đất mà không sử dụng, nếu vi phạm thì dứt khoát trả lại cho TP để tạo nguồn lực.
Hà Nội sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai
Khẳng định lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản ở Thủ đô luôn nóng, vì thế Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung mong muốn Bộ TN&MT tiếp tục giúp đỡ Hà Nội tháo gỡ các khó khăn. Về phần mình, Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống quy hoạch hoàn chỉnh về môi trường. Trong năm 2018, Hà Nội sẽ hoàn thành toàn bộ cơ sở dữ liệu đất đai, sau đó tiếp tục cập nhật dữ liệu các công trình nổi, cây xanh cũng như hệ thống ngầm.
Nêu việc môi trường Việt Nam đang được đánh giá ô nhiễm đứng ở mức cảnh báo và Hà Nội đã chủ động xây dựng hệ thống quan trắc, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng cần chủ động xác định nguồn gây ô nhiễm để có biện pháp xử lý. Trước mắt trong lĩnh vực giao thông, cần có văn bản quy định cụ thể nhất để quản lý môi trường. Đồng tình với đề xuất ban hành quy chuẩn về môi trường của Thủ đô, Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định quan điểm của Bộ, nước thải ở đâu, quy chuẩn ở đấy, không thể dùng chung quy chuẩn, Bộ sẽ cùng Hà Nội nghiên cứu khẩn trương xây dựng bộ quy chuẩn này.
“Mong Hà Nội phối hợp với Cục địa chất của Anh để sớm hoàn thành dữ liệu và có quy hoạch không gian ngầm của Thủ đô. Đồng thời, hiến kế cho bộ cách quản lý tốt nhất khoáng sản, nhất là khai thác cát”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn.
Khẳng định vấn đề khai thác cát còn bức xúc và Hà Nội đã bắt, xử lý nhiều trường hợp nhưng vẫn tái diễn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội sẽ đầu tư khảo sát 27 điểm mỏ có thể khai thác cát an toàn để đấu thầu. “Dự kiến năm đầu đấu thầu, Hà Nội sẽ thu 2.600 tỷ, mỗi năm sau đó sẽ thu 1.500 tỷ để tái đầu tư xã hội, khắc phục được tình trạng “cát tặc”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.
Mong Bộ TN&MT ủng hộ Hà Nội nâng tiêu chuẩn nước sạch đến mức uống được tại vòi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết Thủ đô nỗ lực cao nhất để đến năm 2020, toàn bộ người dân trên địa bàn TP sẽ được cấp nước sạch tiêu chuẩn này.
Cho biết Hà Nội đã và đang là một trong địa phương dẫn đầu thu hút đầu tư nước ngoài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Bộ TN&MT tạo điều kiện để các dự án phải đánh giá tác động môi trường được thực hiện chính xác, nhanh chóng. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT đồng ý và giao nhiệm vụ cho Tổng cục Môi trường: “DN nộp hồ sơ, sau một tuần phải trả kết quả”.