Hà Nội đã cơ bản không còn hộ nghèo

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng Thủ đô Hà Nội và các ban ngành, đoàn thể cũng như chính quyền các cấp đã nỗ lực thực hiện thực hiện những giải pháp để đạt mục tiêu. Theo đó, công tác an sinh xã hội được đảm bảo; đến cuối năm 2020, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo.

Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ

Những ngày cuối năm 2020, chúng tôi đến thăm một gia đình đã thoát cận nghèo của quận Cầu Giấy. Trong căn phòng rộng chưa đầy 10m2, vợ chồng ông Đoàn Văn Hinh (67 tuổi) và bà Lê Thị Hà (60 tuổi) ở tổ dân phố 12, phố Nguyễn Phong Sắc, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy chia sẻ: Trong những ngày dịch Covid-19 phải nghỉ làm, chúng tôi được quận Cầu Giấy, phường Nghĩa Tân và các tổ chức phát gạo, dầu ăn, mỳ tôm, trứng... Khi dịch được kiểm soát, quận và phường còn tặng cho gia đình một xe máy mới làm phương tiện chở khách, 15 triệu đồng tiền mặt và mỗi tháng 10 cân gạo giúp công việc làm ăn dễ dàng hơn.

Gia đình ông Đoàn Văn Hinh là một trong số 17 hộ cận nghèo cuối cùng của quận Cầu Giấy đã thoát cận nghèo trong năm 2020.
Trưởng phòng LĐTB&XH quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cho hay: Từ năm 2017, quận Cầu Giấy đã không còn hộ nghèo và tháng 5/2020 hết hộ cận nghèo. Để có kết quả này, quận đã thực hiện các giải pháp như hỗ trợ giải quyết việc làm bằng nguồn vốn của Nhà nước, TP và quận bổ sung 40 tỷ đồng từ ngân sách giải quyết cho trên 1.300 lao động có việc làm. Cùng với việc tặng sổ tiết kiệm, quận trao trang thiết bị cho các hộ gia đình có nhu cầu (xe máy, máy ép mía, quạt, chăn ga gối đệm, bảo hiểm y tế...). Các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn còn được các DN tặng mỗi tháng 10 cân gạo trong cả năm 2020.
Năm 2020, quận Hai Bà Trưng cũng không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, 12 quận, huyện (Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Long Biên) cũng không còn hộ nghèo. Các quận, huyện còn lại cũng giảm đáng kể số hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đơn cử như huyện Chương Mỹ, huyện xây dựng và triển khai kế hoạch với những giải pháp đồng bộ như hỗ trợ xây dựng mới nhà ở, miễn giảm học phí, chi phí học tập cho học sinh là con của hộ nghèo, hộ cận nghèo. 426 hộ nghèo còn được Ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân vay vốn để sản xuất, kinh doanh với số tiền trên 3,2 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết: “Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến cuối năm 2020, huyện Chương Mỹ có 310 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 1,02% xuống còn 0,64%, hộ cận nghèo giảm từ 3,01% xuống 2,48%”.

Người lao động cần việc làm đều được giới thiệu

Ước năm 2020, toàn TP Hà Nội giảm được trên 4.500 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,21%, đạt mục tiêu đến nay cơ bản không còn hộ nghèo.

Góp phần lớn vào việc giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo bền vững đó là giải pháp tạo việc làm cho người lao động (NLĐ). Trao đổi về việc này, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho hay: “Để đảm bảo được các mục tiêu giải quyết việc làm cho 156.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 70,2%, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành của TP và cơ quan ban ngành địa phương. Sở chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (DVVLHN) tổ chức các phiên giao dịch việc làm...”.
Trong năm 2020, Sở LĐTB&XH Hà Nội cùng các trung tâm bảo trợ xã hội của TP đã tiếp nhận trên 400 người lang thang xin tiền, người vô gia cư vào nuôi dưỡng. Trên 192.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hướng dẫn thực hiện trợ cấp hàng tháng đúng, đủ, kịp thời. Các trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trên 2.700 đối tượng; 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. 100% người khuyết tật, người cao tuổi có nhu cầu và khả năng tự tham gia giao thông được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí...

Tiếp tục thực hiện công tác an sinh xã hội, nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, TP Hà Nội đã có kế hoạch tặng quà cho gần 850.000 đối tượng chính sách với tổng kinh phí trên 371 tỷ đồng. Do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều NLĐ, TP Hà Nội sẽ tặng 5.000 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) cho NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để mọi người, mọi nhà đều có Tết và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trong năm 2020, Trung tâm DVVLHN đã tổ chức 176 phiên giao dịch việc làm với 6.595 lượt DN, đơn vị tham gia; đã có 48.956 lao động được kết nối, 16.025 lao động được tuyển dụng. Ước cả năm 2020, Hà Nội giải quyết việc làm được cho 175.000 NLĐ, tỷ lệ thất nghiệp chiếm 3,33%, đạt mục tiêu HĐND TP đề ra.