Hà Nội dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì Hội nghị giao ban quý IV năm 2017 Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.

Năm 2017, mặc dù thời tiết không thuận lợi (mưa kéo dài, một số huyện bị úng ngập như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa…), giá thịt lợn giảm mạnh…, nhưng ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt được kết quả khả quan: Tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2017 ước đạt 35.133 tỷ đồng (tăng 2,3% so với năm 2016). Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Với việc có thêm 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, Hà Nội đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn (cùng với 2 huyện: Đan Phượng, Đông Anh). Qua đó, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số địa phương được công nhận đạt chuẩn. Đến nay, toàn TP có 255/386 xã (chiếm gần 66,1%) được UBND TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vừa qua, Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới TP Hà Nội đã tiến hành thẩm định 45 xã của14 huyện, thị xã, trong đó, có 39 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Trong số 92 xã còn lại, có 61 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, còn 31 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí.

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 3,65% (năm 2016) xuống còn 2,57% (cuối năm 2017). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ. 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,06% (vượt 3,26% so với kế hoạch đề ra), có 49% số dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế…

Vẫn còn không ít khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiệnChương trình số 02. Trước nhất là việc đến nay, vẫn còn 4 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Mỹ Đức) vẫn chưa hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa với tổng diện tích là: 792,12ha. Còn 6.620 trường hợp (chiếm 1,06%) của 10 huyện chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa.

Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn, như Ba Vì 30 triệu đồng/người/năm, Ứng Hòa 32,3 triệu đồng/người/năm, Mỹ Đức 34,1 triệu đồng/người/năm, Thường Tín 34,5 triệu đồng/người/năm. Một số huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tương đối cao như: Ba Vì (4,8%), Mỹ Đức (4,24%), Chương Mỹ (3,65%)...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội nghị.
Cùng với đó, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị tại một số huyện còn thấp như: Ứng Hòa (29,5%), Chương Mỹ (33%), Mỹ Đức (31,5%)... Việc đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu...

Chú trọng nâng cao đời sống cho người nông dân

Đánh giá cao kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị trong năm 2018, các sở ban ngành, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hình thành các chuỗi liên kết, các nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp Thủ đô từ 2 - 2,5% trong năm 2018.

Đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các xã cần xây dựng và thực hiện kế hoạch duy trì, phát triển các tiêu chí đã đạt đồng thời rà soát, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 2072/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 của UBND TP. Các huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất khẩn trương hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới, hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP xem xét, để trình Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cấp nốt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho các hộ nông dân. Triển khai thí điểm lập đề án xây dựng xã nông thôn mới điển hình tiên tiến tại xã Đông Hội (huyện Đông Anh) và xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng xuyên suốt của Chương trình số 02 là phải nâng cao đời sống bền vững cho người nông dân. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình của Thành phố về giảm nghèo, về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi... Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để tăng nhanh năng suất, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Mở rộng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn. Phát triển hệ thống dịch vụ để từng bước chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế nông thôn...