Hà Nội: Trên 97% thủ tục hành chính được thực hiện theo "một cửa", "một cửa liên thông"

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ tư HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV, ngày 4/12, đánh giá kết quả cải cách hành chính (CCHC), thực hiện kỷ cương hành chính của Thành phố (TP) năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định, năm qua, CCHC tiếp tục được Hà Nội xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, và đã được tập trung tăng cường trong suốt cả năm.

Thay mặt UBND TP, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2017, "Năm Kỷ cương hành chính” đã được tổ chức, triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung tại các cơ quan, đơn vị, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ.

TP tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 26 ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp (DN), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển DN, hỗ trợ đầu tư.
 Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khóa XV

TP cũng chú trọng cải thiện mức độ hài lòng của người dân và DN trong các giao dịch hành chính, trong đó, dịch vụ hành chính công (Par Index) năm 2016 của Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc so với năm trước.
Đáng chú ý, theo UBND TP, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, năm nay, TP đã đẩy mạnh việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nâng cao hiệu quả hoạt động. Kết quả đáng kể là đã hoàn thành sắp xếp 70 Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng thuộc TP thành 5 BQL dự án chuyên ngành thuộc TP, 3 BQL dự án duy tu trực thuộc Sở, 3 BQL dự án giữ nguyên theo đặc thù và 30 BQL dự án khu vực thuộc quận, huyện, thị xã (tổng cộng giảm 29 đơn vị). Đồng thời, TP hoàn thành sáp nhập 3 quỹ (Quỹ Đầu tư phát triển TP, Quỹ Phát triển đất TP và Quỹ Bảo vệ môi trường, thuộc Sở TN&MT) thành 1 Quỹ để tập trung các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động; đã phê duyệt xong đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (chỉ còn 3 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở NN&PTNT chưa thực hiện do chờ thông tư hướng dẫn về mô hình tổ chức).

Bên cạnh đó, TP đã duy trì thực hiện công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, chuyển nhận văn bản trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hoàn thành và duy trì kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép gửi, nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và UBND TP Hà Nội. TP cũng đã ban hành 22 quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện ủy quyền cho một số sở, ban, ngành thực hiện giải quyết một số TTHC trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đạt 97,33%, trong đó: Khối sở, cơ quan tương đương sở đạt 99,98%, UBND cấp huyện đạt 95%, UBND cấp xã đạt 97%. TP đã triển khai hệ thống phần mềm dùng chung lĩnh vực tư pháp - hộ tịch tới 584 xã, phường, thị trấn, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến qua mạng đạt 93%.

Hà Nội có 20,4% dịch vụ công của cơ quan hành chính được thực hiện trực tuyến

Theo UBND Thành phố Hà Nội, năm 2017, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ, trong đó đến nay, hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã có 5.273 cán bộ, công chức được cấp tài khoản với trên 5,2 triệu lượt truy cập.

Năm 2017 tại Hà Nội, số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng tại các cơ quan nhà nước là 225.173/239.480 hồ sơ, đạt tỷ lệ trên 94%. Thành phố (TP) cũng đã triển khai đồng bộ 81 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 tới các quận, phường nội thành và 10 sở, trong đó, 16 DVCTT được triển khai đến cấp xã, cấp huyện toàn TP, nâng tổng số DVCTT của TP lên 391, đạt 20,4% tổng số DVC của cơ quan hành chính TP. Hiện TP đang tập trung thực hiện 375 thủ tục tiếp theo để đưa vào vận hành trong năm 2017, phấn đấu đến hết năm nay, tỷ lệ DVCTT sẽ đạt 55%.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã hoàn thành xây dựng, cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng Giao tiếp điện tử TP. TP cũng triển khai mô hình Trung tâm giám sát, điều hành CNTT của TP Hà Nội, xây dựng và triển khai hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh và các ứng dụng trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Không những thế, công tác đảm bảo an toàn thông tin cũng tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt, các hoạt động trao đổi, hợp tác với các Tập đoàn CNTT hàng đầu trên thế giới và trong nước được đẩy mạnh. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2016, Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, TP về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - Truyền thông (tăng 1 bậc so với năm trước), trong đó, Hà Nội nằm trong tốp đầu về các chỉ số như: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ; trang/cổng thông tin điện tử; số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT; nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT.