Hà Nội dập tắt ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) đã qua 30 ngày kể từ ngày phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Địa phương đã chính thức công bố hết dịch ngày 28/3.

Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp nên ổ dịch tại Phường Ngọc Thụy đã được khống chế.
Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên là địa phương đầu tiên của Hà Nội phát hiện dịch tả lợn châu Phi, với tổng đàn lợn rừng 25 con phải đem đi tiêu hủy. Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp nên tình hình dịch đã được khống chế. Đến nay, đã qua hơn 30 ngày mà Ngọc Thụy vẫn chưa phát sinh thêm ổ dịch mới.
Việc công bố hết dịch sẽ tạo điều kiện cho những đàn lợn khỏe mạnh trong địa bàn được đem đi vận chuyển, tiêu thụ tại nơi khác. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được tái đàn để ổn định chăn nuôi.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến 29/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 12 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội; 32 xã, phường, 52 thôn, tổ dân phố, 122 hộ chăn nuôi, phải tiêu hủy 2.218 con lợn. Trong đó 2 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 26 - 29/3 tại huyện Thanh Trì và Hoài Đức, gồm 8 xã, 53 hộ chăn nuôi, 469 con lợn phải tiêu hủy. Riêng tại huyện Sóc Sơn có 12/26 xã, thị trấn, 26 thôn, 79 hộ chăn nuôi có dịch, đã tiêu hủy 866 con lợn.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh là do nhiều hộ chăn nuôi lợn sử dụng nguồn thức ăn tận dụng, thức ăn dư thừa tại các bếp ăn, nhà hàng; một số hộ qua lại tại các hộ có lợn bị bệnh dịch; một số địa phương xảy ra tình trạng ứ đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan còn thiếu chặt chẽ trong công tác phòng chống bệnh dịch.
Để khống chế dịch bệnh, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 1316/UBND-KT yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị khẩn trương, nghiêm túc, tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Trung ương, TP và đề nghị của các tổ công tác nêu trên.
Đồng thời, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; tuyên truyền sâu rộng, đa dạng bằng nhiều hình thức đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh; tuyệt đối không được chủ quan quan lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.