Hà Nội - đầu tàu kinh tế của cả nước

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong sự nghiệp cách mạng gần một thế kỷ qua, đặc biệt là hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TP, Hà Nội không ngừng phát triển với nhiều thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội… góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza. Ảnh: Anh Ngọc
Không ngừng đổi mới tư duy và hành động
90 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ TP Hà Nội không ngừng đổi mới tư duy và hành động, tập trung khai thác các nguồn lực phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Ngay từ khi tiếp quản Thủ đô, các HTX thủ công nghiệp đầu tiên của Hà Nội và cũng là đầu tiên của cả nước đã thành lập. Đó là các HTX Nghĩa Đô, Tiền Phong, xe đẩy Ô Cách, thủy tinh Dân Chủ... Để đặt nền móng cho một ngành công nghiệp Việt Nam tự chủ, các nhà máy mới đã ra đời tại Hà Nội như: Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Trần Hưng Đạo, Gia Lâm…
Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 2020 đạt từ 8,5 - 9%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 6.700 - 6.800 USD/năm. Những khó khăn về tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh… sẽ là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội, huy động cả hệ thống chung sức đồng lòng, phấn đấu vươn lên.
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang
Giai đoạn 1975 - 1985, cả nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao độ gắn với chế độ bao cấp vốn thích ứng với thời kỳ chiến tranh đã không còn phù hợp. Trong bối cảnh đó, từ Hội nghị T.Ư 6 khóa IV năm 1979 của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới tư duy, vừa lo lãnh đạo giải quyết những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa chỉ đạo sửa đổi, tìm tòi cơ chế, chính sách mới để khắc phục tình trạng trì trệ, tạo tiền đề để Hà Nội bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 1982, công nghiệp Hà Nội bắt đầu có chiều hướng đi lên. Trong việc thử nghiệm, tìm tòi theo hướng kinh tế thị trường, ở Thủ đô đã xuất hiện những nhân tố mới như: Điện cơ Thống nhất, X40, In Tiến bộ, Giầy da Hà Nội...
Từ năm 1986, cùng với cả nước, Hà Nội tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Nhờ đó, kinh tế Hà Nội tăng trưởng liên tục ở mức khá cao: Tốc độ tăng GDP từ mức 4,48% giai đoạn (1986 – 1990), ước tăng lên mức trên 9,3% giai đoạn (2009 – 2005). GDP bình quân đầu người năm 2005, ước tăng gấp 6,4 lần so với năm 1990. Việc sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động của các DN và thực hiện cổ phần hóa DN Nhà nước của Thủ đô được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả. Kinh tế tập thể được củng cố; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từ công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp - phát triển kinh tế tri thức.
Nếu như giai đoạn 2008 - 2017 đạt tăng trưởng bình quân 7,41%/năm, thì năm 2019, GRDP của Hà Nội tăng 7,62% - cao nhất trong 10 năm qua; đóng góp 19,37% tăng trưởng GDP cả nước và 18,7% tổng thu ngân sách của Nhà nước. Đặc biệt, Hà Nội đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 8,46 tỷ USD.
Bước chuyển lớn
Hà Nội hiện đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn, đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước, đã và đang tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng hiện đại, công nghệ cao và phát triển bền vững. Nhận định về vai trò của Đảng bộ TP Hà Nội trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ: Đảng bộ Hà Nội trăn trở cùng cả nước đổi mới tư duy tìm đường xây dựng, hình thành và phát triển kinh tế thị trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nhân dân Hà Nội luôn sẵn sàng vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển Thủ đô từng bước xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và hợp tác quốc tế của đất nước.
Đổi mới tư duy kinh tế về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, Đảng bộ TP Hà Nội qua các thời kỳ, đã bám sát sự chỉ đạo của T.Ư. Và rõ ràng thấy rằng, sau hơn 30 năm đổi mới nền kinh tế Việt Nam và Thủ đô đã đạt được những kết quả to lớn. 

TS Nguyễn Minh Phong
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội đã chủ động tham gia nắm bắt cơ hội, chú trọng phát triển kinh tế tri thức, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô… Dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, TP tạo chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử để giảm thời gian và chi phí cho DN. Ðến nay các dịch vụ công liên quan trực tiếp đến DN như: Đăng ký thành lập DN, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… đều có thể thực hiện trên môi trường mạng. Cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính, nhờ đó, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh giảm 30%, trong lĩnh vực đầu tư giảm 60%, lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm từ 30 - 50%...
Nhận xét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong năm 2019, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, những thành tích về kinh tế - xã hội của TP Hà Nội rất đáng ghi nhận. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 và việc thực hiện thí điểm bắt đầu từ 1/7/2021. Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, đây là một trong những căn cứ pháp lý rất quan trọng để Thủ đô có điều kiện phát triển nhanh, bền vững.