Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/4, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội thảo Kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP TP Hà Nội.

Tại hội thảo, đại diện Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội thông tin về kết quả triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn TP. Theo đó đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và được UBND TP công nhận 1.054 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%). Chương trình OCOP thu hút sự tham gia của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết được trên 5.000 lao động khu vực nông thôn. 
Quang cảnh hội thảo
Đáng chú ý, 1.054 sản phẩm OCOP được công nhận phần lớn thuộc nhóm các ngành nghề nông thôn. Cụ thể, có 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,6%), đồ uống 30 sản phẩm (chiếm 2,8%), thảo dược 7 sản phẩm (chiếm 0,7%), vải, may mặc 27 sản phẩm (chiếm 2,6%), trong khi đó các sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí chiếm 299 sản phẩm (bằng 28,4%).
Cùng với việc phát triển các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ nói riêng, OCOP nói chung, UBND TP chủ trương đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm. Riêng năm 2020, đã tổ chức thành công 4 sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các vùng miền trên cả nước. Ít nhất 500 biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP và hệ thống phân phối được ký kết.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các giải pháp nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghề và sản phẩm OCOP nói chung. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức các sự kiện kết nối giao thương, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP là giải pháp cần được chú trọng. Câu chuyện sản phẩm hấp dẫn cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm, có khả năng gia tăng giá trị cho các sản phẩm OCOP…
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với các sở ngành, địa phương của TP tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn cho chủ cơ sở sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hướng đến mục tiêu trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND TP tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng; các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại với các đối tác trong và ngoài nước để sản phẩm của các làng nghề nói riêng, OCOP nói chung có cơ hội xuất khẩu sang các nước, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần