Hà Nội đề xuất Bộ Nông nghiệp nhiều chính sách phát triển chăn nuôi nông hộ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị Đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 11/6, Hà Nội đã có tham luận đề xuất nhiều giải pháp phát triển lĩnh vực này.

Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, với 38 triệu con gia cầm (đứng đầu cả nước); 1,57 triệu con lợn, đứng thứ 2 cả nước - sau Đồng Nai, có 164.000 con trâu, bò. Toàn TP có 7.528 trang trại chăn nuôi, 732 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; có 31 cơ sở, nhà máy chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn top đầu của cả nước
Chất lượng đàn gia súc, gia cầm được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo bò sữa trên địa bàn TP đạt 100%, bò thịt đạt trên 80%. Nhiều giống gia súc, gia cầm được nhập từ các nước phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù có số lượng gia súc, gia cầm lớn, nhưng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, với 10,5 triệu người đang sinh sống, học tập trên địa bànThủ đô, sản lượng thịt lợn hơi đáp ứng được 92,6%, trứng gia cầm 88,4%, thịt bò mới đáp ứng 14,5% so với nhu cầu…
Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi. Đơn cử như: Hỗ trợ 100% các chi phí thụ tinh nhân tạo khi phối giống bằng tinh bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tinh lợn giống cao sản; Hỗ trợ chi phí tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh và dịch tả lợn, hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường; Hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba; Hỗ trợ khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa; Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Dù vậy, Sở NN&PTNT Hà Nội nhìn nhận hoạt động chăn nuôi của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế nhất đinh. Nguyên nhân là bởi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%); tiến đốc triển khai công tác giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm, khó triển khai. Xây dựng liên kết chuỗi, chế biến sâu, nhãn hiệu thương hiệu sản phẩm còn nhiều khó khăn, hạn chế…
Để phát triển chăn nuôi nông hộ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu đề xuất Chính phủ tiếp tục có chính sách về sử dụng đất đai, tạo điều kiện về đất cho các doanh nghiệp thực hiện phát triển chăn nuôi quy mô lớn và xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, công nghệ cao. Có chính sách tăng chế độ tiền công cho những người trực tiếp tham gia chống dịch (tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường, tiêu huỷ động vật).
Tiếp tục cho duy trì hệ thống mạng lưới thú y cơ sở (xã, phường, thị trấn); nâng chế độ phụ cấp tương ứng ngành nghề đào tạo để đảm bảo thực thi nhiệm vụ tại cơ sở (chế độ không chuyên trách đối với lực lượng này còn thấp). Có chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng; chính sách hỗ trợ di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư phù hợp với Luật Chăn nuôi. Đồng thời có chính sách hộ trợ đào tạo nghề Dẫn tinh viên, thúc đẩy chăn nuôi bò sữa, bò thịt, gia cầm phát triển...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần