Hà Nội: Đề xuất giải pháp trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định của Nghị quyết 653, những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định, thì sẽ đưa vào diện sắp xếp thời gian tới.

Hôm nay (26/3), Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của UBTVQH và lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch thực hiện sắp xếp, mẫu hồ sơ Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì. Tới dự có đông đảo đại diện cơ quan T.Ư và các tỉnh, TP phía Bắc, trong đó phía TP Hà Nội có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng. 

Theo Bộ Nội vụ, Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, các ĐVHC cấp huyện, xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển KT-XH, với các mục tiêu cụ thể: Từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số; khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định khi bảo đảm các yếu tố thuận lợi để phát triển KT-XH, phát triển đô thị và được đa số Nhân dân đồng thuận. Để cụ thể hóa Nghị quyết này, ngày 12/3/2019 UBTV Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến các tỉnh/TP đã phản ánh tình hình thực tế địa phương và đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể góp ý vào dự thảo nghị quyết của Chính phủ do Bộ Nội vụ xây dựng về kế hoạch triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Trong đó, đa số đề nghị thời gian hoàn thành sắp xếp các ĐVHC cấp xã nên quy định chậm nhất trong năm 2019 để các địa phương tập trung vào công tác đại hội (ĐH) cấp xã sẽ diễn ra ngay từ những tháng đầu năm 2020.

Về lấy phiếu ý kiến cử tri vào phương án sắp xếp, cần khẳng định đây chỉ là phiếu tham khảo và phải do các cấp có thẩm quyền quyết định, với nội dung lấy ý kiến cử tri vào phương án sắp xếp cũng nên hướng dẫn rõ để đảm bảo 50% số cử tri trở lên đồng ý mới triển khai.

Về công tác tuyên truyền, một số đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ chỉ đạo không chỉ các địa phương tiến hành mà các cơ quan từ T.Ư cần vào cuộc đẩy mạnh, kết hợp tuyên truyền với các nghị quyết T.Ư để người dân hiểu, đồng thuận.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham luận.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, từ kinh nghiệm thực tiễn của TP Hà Nội, có thể thấy trước khi sắp xếp, nên nhận diện rõ về các ĐVHC từ huyện đến xã, đề ra nguyên tắc, tiêu chí khung cho việc sắp xếp. Ngoài tiêu chí quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo Nghị quyết, rất cần nghiên cứu kỹ cơ cấu dân số, kinh tế, kết cấu hạ tầng, vị trí địa lý, việc kết nối giao dịch cộng đồng dân cư, điều kiện quản lý trật tự xã hội; đặc biệt yếu tố lịch sử văn hóa, bởi mỗi thôn, làng có lịch sử văn hóa riêng về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tương đồng văn hóa…
Hơn nữa, rất cần làm tốt công tác tuyên truyền, nhất quán trong nhận thức và hành động từ cấp ủy, chính quyền đến MTTQ các tổ chức chính trị xã hội, từ TP đến cấp huyện, xã để thống nhất việc tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền, lấy ý kiến Nhân dân. Cùng với làm tốt công tác chính trị tư tưởng, chính sách cán bộ rất quan trọng, trong đó TP thống nhất cao với lộ trình giảm 20% CBCCVC, NLĐ. Từ kinh nghiệm Hà Nội cho thấy, trước hết nên cộng chung số lượng CBCCVC, sau sắp xếp thì sẽ giảm dần theo từng năm.
Tham luận tại đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thay mặt lãnh đạo TP bày tỏ nhất trí với dự thảo kế hoạch mà Bộ Nội vụ đưa ra, cho rằng việc sắp xếp hợp lý các ĐVHC huyện, xã sẽ tạo thay đổi tích cực, tập trung được nguồn lực phát huy tiềm năng của địa phương, phù hợp yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là tinh gọn bộ máy tinh giản biên chế, góp phần nâng cao đời sống cán bộ công chức (CBCC) và hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính...
Tuy nhiên, “Tách ra thì dễ nhưng sáp nhập vào là rất khó, đòi hỏi thống nhất cao trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện. Hà Nội từ năm 1976 đến nay đã qua 3 lần sáp nhập và chia tách, trong đó hơn 10 năm trước đã hợp nhất với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã tỉnh Hòa Bình, tuy là việc rất khó nhưng giờ đã có thể khẳng định việc hợp nhất này thực sự mang lại tiềm năng rất to lớn, nhất là đời sống Nhân dân các khu vực hợp nhất về Hà Nội được nâng lên rõ rệt”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chia sẻ.
Đáng chú ý, đồng chí đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn để có cơ chế chính sách đặc thù cho số cán bộ dôi dư sau sáp nhập, hợp nhất để đảm bảo giữ ổn định tư tưởng cho cán bộ yên tâm công tác, nếu không làm tốt sẽ tạo bất ổn, nhất là năm nay là năm cuối các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết ĐH Đảng các cấp và chuẩn bị ĐH vào năm tới.
Về lộ trình thời gian đề ra tháng 5/2019 các tỉnh, TP đã phải báo cáo Bộ Nội vụ- đây là thách thức rất lớn vì thức tế chỉ còn hơn 1 tháng để địa phương xây dựng kế hoạch, UBND tỉnh/TP thông qua rồi báo cáo tỉnh/thành ủy, tháng 9/2019 đã phải hoàn thành xong mọi quy định, mà mỗi lần lấy ý kiến Nhân dân từ huyện lên quận, xã lên phường, hợp nhất các đơn vị… cũng phải theo thời gian quy định.
“Chúng tôi rất băn khoăn về lộ trình đó, đòi hỏi chỉ đạo rất quyết liệt của các tỉnh/TP mới đảm bảo tiến độ. Trong khi theo kế hoạch năm 2020, từ quý I các địa phương đã phải chỉ đạo điểm ĐH xã phường, từ tháng 6 tiến hành ĐH cấp huyện, chậm nhất 30/10 phải ĐH cấp tỉnh/TP. Do đó, trên cơ sở rà soát đặc điểm của từng địa phương, đơn vị, nên quy định nơi nào cần sáp nhập thì mới phải tiến hành, theo lộ trình từng bước, nơi nào đúng tiêu chí theo Nghị quyết 37 mới làm chứ không làm tất cả sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến tâm tư của CBCC, việc triển khai nhiệm vụ chính trị năm tới, sẽ rất nặng nề cho các địa phương. Cần cho các tỉnh/TP chủ động rà soát để xây dựng lộ trình, kế hoạch theo đặc thù của mình, nơi nào cần thiết và đúng tiêu chí mới làm. Thời gian, lộ trình, cách tiến hành, số lượng thế nào…, cần được Bộ “mở” ra, để các địa phương thực hiện vừa đảm bảo tinh thần nghị quyết của T.Ư, của UBTV Quốc hội vừa giữ ổn định và phát triển, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị từ cấp xã đến TP”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.