Hà Nội đề xuất vay vốn ODA đầu tư 2 dự án đường sắt đô thị

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đẩy nhanh tiến độ 2 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT): số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; và số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, UBND TP Hà Nội đã đề xuất với Bộ KH&ĐT, trình Chính phủ cho sử dụng vốn vay ODA từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Nhật Bản để đầu tư thực hiện.

Dự án cấp thiết

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội sẽ bao gồm 9 tuyến. Ngoài tuyến số 2A Cát Linh – Hà Đông sắp hoàn thành, 2 tuyến: số 3 Trôi - Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai; và số 2 Nội Bài - Nam Thăng Long - Bờ Hồ - Đại Cồ Việt - Thượng Đình được xem là cấp thiết hơn cả.

Một nhà ga nằm trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được hoàn thiện. Ảnh: Phạm Hùng

Tuyến ĐSĐT số 3 bao gồm 2 phân đoạn là: 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội và 3.2 Ga Hà Nội - Hoàng Mai, kết nối trục hành lang phía Tây với trung tâm TP, liên thông sang khu vực phía Nam. Lưu lượng hành khách trên trục giao thông này được dự báo là rất lớn; kết quả khảo sát cho thấy đến năm 2020, tuyến số 3 có thể đạt sản lượng 488.000 hành khách/ngày. Hiện đoạn tuyến 3.1 đang trong giai đoạn thi công gấp rút; việc tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn tuyến 3.2 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm hoàn chỉnh tổng thể tuyến số 3. Mặt khác, đó còn là cơ sở để kết nối đồng bộ tuyến ĐSĐT số 3 với tuyến số 2 tại Ga Hàng Bài; tạo nên sự gắn kết của mạng lưới ĐSĐT Hà Nội trong giai đoạn đầu, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng cho khu vực đô thị trung tâm.

Tương tự, đoạn tuyến 2.2 Trần Hưng Đạo - Thượng Đình cũng là một hợp phần quan trọng của toàn tuyến ĐSĐT số 2 Nội Bài - Thượng Đình. Tuyến số 2 khi hoàn thiện theo quy hoạch sẽ kết nối 3 khu vực tập trung dân cư lớn của Hà Nội là: Khu đô thị (KĐT) mới phía Bắc sông Hồng kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài; KĐT cổ, cũ; và KĐT mới phía Nam sông Hồng đến Thượng Đình. Dự kiến tuyến ĐSĐT này sẽ thu hút khoảng 714.000 lượt hành khách/ngày vào năm 2020; và tăng lên 1,7 triệu lượt hành khách/ngày năm 2040. Trên cơ sở đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đánh giá, việc nghiên cứu và đầu tư xây dựng 2 tuyến ĐSĐT số 3 và số 2 là cấp thiết và sẽ đóng góp tích cực vào phát triển mạng lưới giao thông của TP nói chung, giao thông công cộng nói riêng.

Cần ưu tiên tài chính

Theo tính toán, đoạn tuyến ĐSĐT số 3.2 Ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ cần tổng mức đầu tư là 1,225 tỷ USD (tương đương khoảng hơn 27.685 tỷ đồng); trong đó, vốn vay nước ngoài là 1,075 tỷ USD. Giai đoạn thực hiện Dự án Hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, đoạn tuyến ĐSĐT 3.2 đã được ADB tài trợ và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục tài trợ. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công, đoạn tuyến 3.2 nêu trên thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, phải trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Mặt khác, ADB cũng là nhà đồng tài trợ cho Dự án thực hiện đoạn tuyến 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội đang thi công. Năm 2016, ADB đã có cam kết sẽ tài trợ 450 triệu USD cho đoạn tuyến 3.2 vào năm tài khóa 2020 và chưa xác định cụ thể mức tài trợ tối đa cho dự án này. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhìn nhận: “Đề xuất dự án tuyến ĐSĐT số 3, đoạn từ Ga Hà Nội – Hoàng Mai sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ ADB (và các nhà tài trợ khác) là phù hợp với các cam kết, định hướng của nhà tài trợ”.

Còn với dự án tuyến ĐSĐT số 2.2 Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tổng mức đầu tư dự kiến là 177,260 tỷ Yen (tương đương khoảng 34.743 tỷ đồng); trong đó 146 tỷ Yen là vốn vay ODA của Nhật Bản, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Tại văn bản số 108/TTg - KTN ngày 12/12/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đàm phán với phía Nhật Bản và các đối tác khác về việc tiếp tục vay vốn đầu tư toàn tuyến số 2.

Như vậy, dự kiến tổng mức đầu tư cho cả 2 dự án sẽ vào khoảng 62.400 tỷ đồng. Để có nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án nêu trên, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ KH&ĐT, trình Chính phủ xem xét cho sử dụng vốn vay ODA từ ADB và một số nhà tài trợ để tiếp tục triển khai đoạn tuyến số 3.2 Ga Hà Nội - Hoàng Mai và 2.2 Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, từng bước tiến tới hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn TP. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đánh giá việc sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản để thực hiện 2 dự án nêu trên sẽ đảm bảo đồng bộ về kỹ thuật, công nghệ của dự án; phù hợp với định hướng tài trợ cũng như cam kết của phía Nhật Bản; đặc biệt trong bối cảnh khả năng tìm kiếm nguồn vốn lớn đầu tư cho ĐSĐT rất khó khăn như hiện nay.

Dự án tuyến ĐSĐT số 3.2 Ga Hà Nội - Hoàng Mai dài khoảng 8km; có 7 ga; điểm đầu tại Quảng trường 1/5 trên đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối trên tại nút giao Tam Trinh - cầu cạn Pháp Vân (phường Yên Sở, Hoàng Mai); dự kiến thời gian thực hiện dự án từ 2020 - 2025.


Dự án tuyến ĐSĐT số 2.2 Trần Hưng Đạo - Thượng Đình dài khoảng 5,9km; có 6 ga, đi ngầm toàn bộ; điểm đầu tại ngã tư phố Huế - Nguyễn Du, điểm cuối tại vị trí nút giao Nguyễn Trãi - Vành đai 2,5; dự kiến thời gian thực hiện dự án từ 2020 - 2025.