Hà Nội đi đầu trong công tác đền ơn, đáp nghĩa

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong những địa phương luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công (NCC) với cách mạng. Nhiều năm qua, công tác "đền ơn, đáp nghĩa" trên địa bàn đã trở thành phong trào sâu rộng với các hoạt động thiết thực.

 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cùng Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan T.Ư Phạm Quang Thao trao quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Nhuận (Đống Đa), tối 26/7. Ảnh: Trần Thảo
Tri ân bằng những việc làm thiết thực
Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng NCC lớn nhất cả nước, với khoảng 800.000 người, chiếm gần 10% số NCC toàn quốc. 6.500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó, có gần 200 mẹ còn sống, hơn 45.000 thương binh, bệnh binh, gần 80.000 liệt sĩ, hơn 13.000 người hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 500.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại.

Quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần NCC và các gia đình chính sách, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, có nhiều chính sách cao hơn mức của T.Ư, để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần NCC, gia đình chính sách. TP trợ cấp hàng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và thanh niên xung phong sống cô đơn, có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện tổ chức điều dưỡng luân phiên hai năm/lần (T.Ư quy định 5 năm/lần).
Tổ chức cấp gần 20.000 vé xe buýt miễn phí cho các đối tượng thương binh, bệnh binh và NCC. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở LĐTB&XH đã tiếp nhận và giải quyết chế độ ưu đãi NCC cho 19.500 trường hợp. Chi trả trợ cấp cho NCC và thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên 880 tỷ đồng. Tính đến ngày 6/7/2018, toàn TP đã vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được trên 19 tỷ đồng (đạt 96% kế hoạch); tặng 2.450/2.555 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí trên 3,1 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 75/81 công trình ghi công liệt sỹ với kinh phí trên 36,2 tỷ đồng.
Vận động trên 11 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp 296/272 nhà ở cho NCC với cách mạng; 196/196 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng… Trong dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2018, TP Hà Nội đã chi gần 104 tỷ đồng tặng gần 130.000 suất quà tới các đối tượng chính sách, NCC với cách mạng.

Thu hút sự chung tay của cộng đồng

Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, NCC trên địa bàn đã có sức lan tỏa, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng. Những hoạt động, phong trào tình nghĩa thiết thực là minh chứng cụ thể cho tinh thần trách nhiệm, tình cảm tri ân của Nhân dân Thủ đô đối với những NCC.

Trong dịp 27/7 này, cùng với TP, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng và phong phú nhằm tri ân NCC. Như tại quận Hoàng Mai, tập trung quan tâm giúp đỡ tạo việc làm phù hợp đối với con liệt sĩ, thương binh nặng và con thương binh chưa có việc làm. Quận đã tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn để giới thiệu việc làm phù hợp cho con liệt sĩ, thương binh nặng và con thương binh. Điều dưỡng luân phiên 300 người, điều dưỡng tại nhà 925 người…
Tại huyện Phú Xuyên, cùng với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, huyện đã vận động cá nhân, tổ chức ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt trên 800 triệu đồng; xây dựng và sửa chữa 2 nhà tình nghĩa cho NCC có hoàn cảnh khó khăn; vận động 6 tổ chức công đoàn phụng dưỡng 6 bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống…

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, từ nay đến năm 2020, TP đặt mục tiêu sẽ hoàn thành cơ bản việc rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng đối với NCC với cách mạng theo hướng dẫn của các bộ, ngành, T.Ư. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với NCC, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.