Hà Nội - điểm đến đầu tư hấp dẫn

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực thu hút đầu tư và hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn phát triển ngày càng thuận lợi là hai điểm nhấn nổi bật, thể hiện trách nhiệm, năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý kinh tế của các cơ quan chức năng TP Hà Nội.

Điều này cũng khẳng định Hà Nội đang và sẽ tiếp tục là địa điểm đầu tư an toàn, ổn định, là điểm đến được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế ưu tiên hàng đầu khi cân nhắc quyết định đầu tư.

Trụ hạng ổn định trong top 10 địa phương xếp hạng PCI tốt nhất

Sau nhiều năm liên tục nâng bậc, hiện, Hà Nội đang trụ hạng ổn định trong TOP 10 các địa phương tốt nhất trong xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, bằng 43,9% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách trên 2.200 dự án, vốn đăng ký trên 1,1 triệu tỷ đồng.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  và các đại biểu tại hội nghị ''Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững''. Ảnh: Minh Vương

Một loạt cơ chế tài chính, tín dụng ưu đãi đặc thù và những nỗ lực hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư được các cơ quan chức năng TP phối hợp triển khai đã giúp cộng đồng DN trên địa bàn kịp thời nắm bắt và khai thác tốt các cơ hội kinh doanh. Trong đó, phải kể đến việc triển khai các Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025... ; triển khai các hoạt động tư vấn, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư…

Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp

Trong giai đoạn 2011 - 2020, công tác cải cách hành chính của TP đã có những bước chuyển biến tích cực. Thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh phân quyền, giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành; xóa bỏ những “nút thắt”, “rào cản” tạo động lực mới cho sự phát triển, nâng cao văn hóa phục vụ, giao tiếp của công chức; đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ chuyển giao toàn bộ hoặc từng phần một số dịch vụ hành chính công cho các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện…

Thực tế ngày càng cho thấy, không chỉ nhờ vào các nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính và áp dụng chính phủ điện tử từ các cơ quan chức năng, mà chuyển đổi số cũng đang và sẽ giúp DN trên địa bàn tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, thời gian, hỗ trợ hoạt động quản trị và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Hà Nội đã có một số ngành sản xuất quan trọng, ứng dụng công nghệ cao, như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano… Hiện, khoảng 11.000 DN công nghệ thông tin với tổng doanh thu hằng năm 10 tỷ USD, giá trị xuất khẩu chiếm trên 20% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Vì vậy, Hà Nội coi trọng kiến tạo thể chế khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; hình thành văn hóa số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hình thành hệ sinh thái hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND hỗ trợ DN nhỏ và vừa (NVV) trên địa bàn TP năm 2021 nhằm thúc đẩy DNNVV phát triển, tăng trưởng về chất lượng và hiệu quả, phát triển đổi mới sáng tạo, DN công nghệ số; phấn đấu đạt tỷ lệ DN thành lập mới trong năm tăng thêm từ 10% (khoảng 30.000 DN); Tạo thêm 150.000 việc làm mới cho người lao động, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô, đóng góp khoảng 45% GRDP và trên 30% ngân sách TP.

Theo đó, các DNNVV sẽ được hỗ trợ chung về cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận tín dụng; thuế; mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực; được hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh; đặc biệt, được hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, 70% kinh phí tổ chức các khóa về quản trị kinh doanh...

Đi đầu cải thiện môi trường kinh doanh

Để tiếp tục khẳng định vị thế Thủ đô luôn đi đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN và trở thành “TP sáng tạo”, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến năm 2025 là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh... Hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ số, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế...; tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các địa phương khác để hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao... Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, các ngành tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh…

Đặc biệt, Hà Nội cần đẩy nhanh, quyết liệt hơn trong kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng tinh, gọn, với đội ngũ nhân lực có chất lượng chuyên môn và đạo đức công vụ cao; tăng cường phối hợp và điện tử hóa các hoạt động quản lý giữa các sở, ban, ngành theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”; kịp thời nắm bắt và phản ững chính sách hiệu quả, gỡ khó và giảm thiêu các chi phí thời gian, nhân lực và tài chính cho DN trong tuân thủ các quy trinh quản lý nhà nước và xử lý nghiêm mọi hành vi nhũng nhiễu DN.

Đồng thời, cần coi trọng tăng vai trò và đổi mới hoạt động của các Hiệp hội theo hướng mở rộng các hội viên, bám sát và luôn đồng hành trong phản ánh và hỗ trợ giải quyết khó khăn cho DN; cung cấp thông tin và tăng cường sự tham gia và trách nhiệm xã hội của DN trong đầu tư kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, chỉ với 4 hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã trao quyết định đầu tư cho 264 dự án với tổng vốn hơn 854.000 tỷ đồng, ký hàng chục biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, DN, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài giá trị vài chục tỷ USD.

Năm 2019, Hà Nội thu hút được 8,67 tỷ USD vốn FDI, cao nhất sau hơn 30 năm qua và là năm thứ 2 liên tiếp Hà Nội dẫn đầu cả nước, với lũy kế thu hút FDI giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011 - 2015. Với 286.096 DN tính đến tháng 4/2020, Hà Nội hiện chiếm hơn 1/3 trong tổng số 758.610 DN đang hoạt động trên cả nước tính đến ngày 31/12/2019.

Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 6/2020, Hà Nội có khoảng 125.000 DN thành lập mới, chiếm hơn 43% tổng số DN đăng ký thành lập mới của TP, với số vốn điều lệ là 1,396 triệu tỷ đồng. Đồng thời, gần 2.000 hợp tác xã trên địa bàn cũng đang phát triển ngày càng đa dạng, trong đó khoảng 65% hoạt động hiệu quả trên thực tế.