Hà Nội – Điểm sáng 30 năm thu hút đầu tư FDI

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm thu hút nguồn FDI thành công, Hà Nội có thể nhìn lại và rút ra những bài học quý giúp Hà Nội tiếp tục chủ động xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tăng hiệu quả, khai thác tốt hơn, giúp củng cố vị thế Thủ đô. Đây là nhận xét của GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) .

Bài 3: Tối ưu hóa dòng vốn FDI
 GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE).
Ông có nhận định gì về những thành công của Hà Nội trong thu hút FDI thời gian qua?

- Sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn FDI vào Hà Nội thời gian qua một phần bắt nguồn từ chiến lược mở rộng đầu tư sản xuất của các DN FDI tại Việt Nam – được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội, lợi điểm từ quá trình hội nhập sâu và rộng, đặc biệt trong sân chơi của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên trong xu thế đó, cơ hội không chia đều, mà những địa phương và các khu công nghiệp (KCN) có hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ tốt sẽ tiếp tục là những “vùng trũng” hút FDI nhiều nhất.

Hà Nội trước kia ở vị trí thứ 3, thứ 4 , gần đây liên tục ở vị trí dẫn đầu là một tín hiệu rất tốt. Các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo TP Hà Nội với nhà đầu tư (NĐT) được tổ chức liên tục và có quy mô, đồng thời Hà Nội cũng thành lập các Trung tâm xúc tiến để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch của TP một cách đồng bộ, hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn. Công tác cải cách hành chính của TP thời gian qua tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Hà Nội cũng đi đầu cả nước về triển khai xây dựng chính quyền điện tử, công nghệ cao, thông qua việc đơn giản và minh bạch hóa thủ tục các chính sách… là yếu tố rất quan trọng để giữ chân các NĐT.

Bên cạnh những mặt tích cực, những hạn chế nào của Hà Nội theo ông cần khắc phục?

- Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, TP Hà Nội vẫn có những điểm yếu như cơ sở hạ tầng chưa được quy hoạch tốt, thiếu đồng bộ. Quỹ đất hạn hẹp, giá thuê đất cao. Năng lực của công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, chi phí lao động tăng, dù có nguồn nhân lực trí tuệ nhưng Hà Nội lại đang thiếu nguồn lao động có tay nghề cao. Thái độ công chức hành chính đâu đó vẫn còn chưa tốt…

"Xây dựng Thành phố thông minh sẽ giải quyết từ nhu cầu thực tế và là một trong những giải pháp công nghệ góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách, thúc đẩy TP phát triển. Lãnh đạo TP Hà Nội đã rất mạnh dạn, sẵn sàng tiếp nhận những ý tưởng hoàn toàn mới. Và DN FDI được khuyến khích nhờ tinh thần trao đổi cởi mở của Hà Nội." - Cố vấn cao cấp về chính sách đầu tư của WB

David Brown
Bên cạnh đó, dù môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn đang phải cạnh tranh với các địa phương khác. Ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, Không có khả năng mở rộng diện tích cho các KCN… Cùng với đó, nguồn đất sạch, trống không còn nhiều… cũng là những thách thức không nhỏ đối với TP. Nhiều hạn chế khác cũng được chỉ ra, đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, xuống cấp; tình trạng ùn tắc giao thông chưa được giải quyết triệt để.

Hà Nội đang hướng tới thu hút FDI vào 3 lĩnh vực chủ yếu: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến; Dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao. Ông có nhận xét gì về định hướng này?

- Hà Nội là địa phương có nhiều trường đại học và viện niên cứu khoa học hàng đầu của đất nước. Chính vì thế, bên cạnh ưu tiên những dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dịch vụ hiện đại, kết cấu hạ tầng, thì nên cân nhắc ưu tiên cho những dự án mà Việt Nam (DN trong nước) chưa làm được như công nghệ tương lai của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để tạo ra giá trị gia tăng lớn. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai địa phương có điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư theo hướng tiếp cận CMCN 4.0, vào công nghệ tương lai như Big Data, trí tuệ nhân tạo và các ngành công nghiệp tự động hóa…
 Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Synopex, Khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh:  Danh Lam
Thứ nữa, nhược điểm lớn nhất của Việt Nam hiện nay là còn ít các dự án từ các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Mỹ… Muốn thay đổi cần tạo hướng tiếp cận mới, tích cực xúc tiến đầu tư “có địa chỉ”. Phải chọn những tập đoàn lớn trên thế giới, tìm hiểu chiến lược kinh doanh của họ và xem xét khả năng đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn này. Xúc đầu tư trực tiếp đối với từng dự án, tổ chức cuộc họp lãnh đạo cấp cao của những tập đoàn này.

Tại hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI vừa qua, lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị liên kết vùng trong thu hút đầu tư, ông đánh giá như thế nào về kiến nghị này?

- Kiến nghị trên là hoàn toàn chính xác. Thực tế cũng cho thấy quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành theo vùng hiện nay của nước ta chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút nguồn lực, đầu tư, quản trị không gian kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện vai trò liên kết nội vùng.

Vấn đề là làm thế nào để Vùng thủ đô hoạt động hiệu quả hơn? Cần sớm thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu, phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng. Đó là không gian Vùng Thủ đô sẽ chia thành các tiểu vùng. Mỗi tiểu vùng quy hoạch với sự phân công hợp lý thông qua một kế hoạch tổng thể sẽ xác định được thế mạnh của mỗi địa phương, khu vực. Đồng thời gắn bó, gắn kết với nhau trong việc phân bổ các nguồn lực và để giải quyết các vấn đề liên vùng như ô nhiễm nước, không khí, các vấn đề giao thông và di dân…

Chủ tịch Hội đồng Vùng Thủ đô phải là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tập hợp các kiến nghị, cơ chế tổ chức của các tiểu vùng, cùng nhau xử lý mọi tình huống liên quan đến kinh tế vùng; kiến nghị với T.Ư các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển từng giai đoạn nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra.

Hà Nội đã có nhiều giải pháp đột phá trong thu hút đầu tư, theo ông thời gian tới Hà Nội cần tiếp tục làm gì?

- Đối với NĐT, thời gian và chi phí để gia nhập thị trường là quan trọng. Do đó, việc giải quyết thủ tục hành chính phải tiệm cận được với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực; Cần tiếp tục nâng cao năng lực tiếp cận, lựa chọn NĐT, thẩm định dự án FDI để bảo đảm thực hiện định hướng và chính sách mới về FDI nhằm đạt được chất lượng và hiệu quả cao hơn.

CMCN 4.0 có liên quan đến việc làm và nhân lực chuyên môn của các nghề nghiệp mới, do đó hệ thống giáo dục cần cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng mới đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho FDI thế hệ mới.

Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đều có chương về đầu tư, trong đó có những nội dung mới liên quan đến thu hút FDI: Công khai, minh bạch; Quyền sở hữu trí tuệ, nhất là bảo vệ bản quyền, thương quyền, xử lý nghiêm hàng nhái…; phòng chống tham nhũng tất cả những vấn đề trên đòi hỏi chính sách, điều hành phải bám sát và đáp ứng được yêu cầu. Tôi tin, Hà Nội với nhiều đổi mới trong cải cách hành chính, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Nâng chất dòng vốn FDI

Tại hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của các tỉnh, TP trong vùng, bao gồm 3 lĩnh vực chính: Lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại: Giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường; Lĩnh vực sản xuất, gia công, trong đó, ưu tiên các ngành, lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm, áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến; Lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao như dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế - chăm sóc sức khỏe, logistic.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần