Hà Nội định hình chính quyền đô thị: Vượt thách thức, nắm thời cơ

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Bộ Chính trị đồng ý cho Hà Nội triển khai thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị (CQĐT), Hà Nội đang khẩn trương xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng mô hình CQĐT, củng cố chính quyền nông thôn” để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội trong năm 2018.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, đây là thời cơ lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho Hà Nội, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, mà quan trọng nhất là yếu tố con người.

Phân cấp mạnh, tăng chủ động

Sau thời gian dài đề xuất, Hà Nội vừa chính thức được Bộ Chính trị đồng ý cho triển khai thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT tại các quận. Theo ông, điều này sẽ mang tới cho TP những cơ hội thế nào?

- Hà Nội là một trong hai đô thị đặc biệt, song Luật Tổ chức Chính quyền địa phương phân biệt giữa “chính quyền đô thị” và “chính quyền nông thôn” cơ bản chưa khác nhau về mô hình tổ chức, quyền hạn, đều vẫn có HĐND và UBND. Vì vậy, TP xây dựng CQĐT là tất yếu, không chỉ là thời cơ mà còn là đòi hỏi bắt buộc để đô thị phát triển đúng hướng. Đó là đòi hỏi khách quan của các TP lớn, vì giữa thành thị và nông thôn có rất nhiều đặc điểm khác nhau, nên phải có mô hình quản lý riêng. Đô thị có mật độ dân số, trình độ dân trí và mức sống rất cao; kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng khác nên không thể phường nọ, quận kia tách rời, mà phải kết nối cả TP. Còn nông thôn thường là hệ khép kín, chia theo đặc điểm từng khu vực, tiểu khí hậu, phong tục.
 Một góc Hà Nội trên cao. Ảnh: Công Hùng.

Khoảng 9 - 10 năm trước, Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án với 3 phương án trình Chính phủ và Bộ Chính trị đã cho triển khai thí điểm, trong đó đã tính không tổ chức HĐND cấp huyện, xã nữa nhưng sau 7 năm thí điểm chưa triển khai được. Sau TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, mới đây Bộ Chính trị đồng ý cho Hà Nội xây dựng thí điểm CQĐT trong các quận, theo phương án 1 mà Bộ Nội vụ đề xuất: Chỉ TP có cả HĐND và UBND; tại quận, phường chỉ còn UBND (Ủy ban Hành chính).

Từ mô hình CQĐT này, có thể thấy, quá trình giải quyết các đặc điểm của đô thị như trên sẽ nhanh hơn, bởi ngoài việc bỏ HĐND quận, phường, CQĐT sẽ giao quyền, trách nhiệm, phân cấp mạnh hơn cho TP, quận, phường; tiến tới có thể tự chủ cả tài chính, nhân sự. Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch UBND quận cũng có quyền, trách nhiệm lớn hơn so với các mô hình khác - ưu điểm lớn nhất của CQĐT. Ngoài ra, Hà Nội có lợi thế rất lớn là đã có Luật Thủ đô, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác Thủ đô.

Phân tích sâu hơn sẽ thấy, vai trò HĐND ở quận, phường hiện rất hạn chế, không được “quyết” nhiều vấn đề. Hơn nữa, cả HĐND, UBND quận, phường đều là cơ quan hành pháp, nếu mọi chủ trương của TP phải thông qua HĐND thì gây độ trễ trong hoạt động hành chính; bộ máy lại rất cồng kềnh. Do đó, xây dựng được Ủy ban Hành chính quận, phường tốt thì chắc chắn thay thế được HĐND.

Đi liền với cơ hội, thực tế dù CQĐT đã được nhiều nước xây dựng nhưng ở Việt Nam vẫn là mô hình mới mẻ. Vậy sẽ đặt ra những thách thức gì cho Hà Nội, thưa ông?

- Theo tôi, TP muốn xây dựng đề án, cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng, làm từng bước, tất nhiên trên cơ sở đề án Bộ Nội vụ đã xây dựng, được Chính phủ thảo luận và Bộ Chính trị đã định hướng cho Hà Nội. TP cũng cần tiếp thu kinh nghiệm các nước, địa phương đã làm. Quan trọng nhất chính là chuẩn bị con người để đáp ứng. Bởi, nếu không còn HĐND mà chỉ tập trung vào UBND, được giao quyền, phân cấp nhiều hơn, thì để thực thi, phải chọn được đúng người đủ năng lực, trình độ, đạo đức. Hiện, UBND vẫn hoạt động theo cơ chế tập thể, nhưng khi có CQĐT thì quyền của Chủ tịch UBND lớn hơn. Cùng với chuẩn bị con người thật tốt, phải tạo được thống nhất cao về tư tưởng, rồi xây dựng đề án, với giám sát kiên quyết của cấp trên, thì sẽ làm được, tạo niềm tin trong Nhân dân.

Ngoài thách thức lớn nhất là chọn con người, việc bỏ HĐND quận, phường còn đụng chạm đến những con người cụ thể khác thuộc biên chế HĐND, nhất là người có vị trí, cần được sắp xếp hợp lý. Việc giải quyết chính sách dôi dư, đi vào giải quyết từng con người cụ thể sẽ tác động rất lớn, dễ phát sinh vấn đề tư tưởng. Mô hình đó lại mới với TP, nên trong đề án cần rất rõ về cách vận hành, chọn con người, cơ chế chính sách.

Thực hiện cho đúng quy hoạch

Tại Hà Nội, hạ tầng đô thị ngày càng quá tải, quản lý đô thị chưa đáp ứng thực tiễn. Theo ông, TP sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng những gì, có cơ chế ra sao để triển khai hiệu quả CQĐT?

- Nhiều năm nay, đây là đặc điểm riêng của đô thị; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh càng nhiều áp lực do mật độ dân số cao, nhiều dân vãng lai, phức tạp, hạ tầng không theo kịp. Vì vậy, để làm được CQĐT, trước hết phải quay lại vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Quan trọng nhất là khi có quy hoạch, chủ trương rất đúng rồi thì phải thực hiện cho đúng, tránh chắp vá. Không thể nhà máy, bệnh viện… chuyển đi thì lại mọc lên chung cư, trung tâm thương mại và vẫn thiếu nhà trẻ, công viên...

Trong thực hiện quy hoạch, việc đồng bộ kết nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhất là giao thông rất quan trọng. Ở đô thị có kết nối cả TP, không chia cắt được; còn ở nông thôn, hạ tầng không có kết nối, chỉ có đường nông thôn nối thôn nọ với thôn kia. Vì vậy, đúng như Bộ Nội vụ từng phân tích, với CQĐT, phải quản lý theo ngành chứ không thể theo lãnh thổ từng phường, quận, nhất là về kết cấu hạ tầng, điện, nước, an ninh trật tự... Tôi cho rằng, nên theo cơ chế quản lý chung cả TP, chứ không có chính sách riêng cho từng quận, phường.

Vì vậy, để ráo riết thì cần giao quyền, trách nhiệm nhiều hơn cho UBND, nhất là Chủ tịch UBND. Hiện nhiều vấn đề phải đưa sang HĐND quyết rồi lại về lấy ý kiến tập thể UBND, nên bộ máy hành chính có độ trễ lớn, hiệu quả hạn chế. Cùng với biện pháp kiểm soát quyền lực, cần đề cao vai trò cá nhân: Cá nhân sai thì đừng đổ lỗi cho tập thể, “quy trình”, mà phải bị xử lý nghiêm để tạo niềm tin, răn đe những trường hợp khác.

Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng CQĐT cần trên quan điểm đô thị có ngân sách, tài sản riêng, có thể ra các khoản thuế, phí theo luật định. Nhận định của ông ra sao?

- Điều đó là do phân cấp. Hiện chúng ta có 4 cấp chính quyền nên có 4 cấp ngân sách, nhưng thực chất quận hay phường đều do TP điều tiết về tài chính. Cần phải tinh giản biên chế, nhưng Hà Nội luôn quá tải về nhiệm vụ; có thể đã được giao con người nhiều hơn các tỉnh, nhưng vẫn bị “khung” khống chế. Nên tới đây, mô hình CQĐT cần phân bổ, phân cấp mạnh hơn, giúp chủ động, rõ trách nhiệm hơn. Trong đó, cấp quận cũng cần được chủ động hơn về ngân sách, con người.

Hà Nội đã chọn chủ đề 2018 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Điều này sẽ tạo điều kiện thế nào cho TP xây dựng đề án CQĐT ngay trong năm, tiến tới được phê duyệt, mang lại lợi ích cho người dân?

- Theo tôi, Hà Nội chủ động xác định chủ đề năm như vậy chính là nhằm gắn nhiệm vụ với xây dựng mô hình CQĐT, thể hiện sự tập trung chỉ đạo và thực hiện của cả TP về CQĐT. Bộ Chính trị đã giao TP xây dựng mô hình này thì chúng ta sẽ tiếp nối. Hà Nội đã xác định chủ đề xoay quanh CQĐT và đã xây dựng, từng bước làm; cũng đã có Luật Thủ đô. Có thể thấy, TP đã sẵn sàng nhiều điều kiện để xây dựng, thực hiện CQĐT.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần