Hà Nội dốc sức phục hồi ngành du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để du lịch Hà Nội phục hồi sau dịch Covid-19, từ nay đến cuối năm bên cạnh việc giảm giá tour, các DN sẽ xây dựng tour du lịch đặc trưng Thủ đô như làng nghề, văn hóa, qua đó kích cầu du lịch nội địa.

Hà Nội vắng bóng khách du lịch
Từ đầu năm đến nay chịu ảnh hưởng Covid-19 nên lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm 59,2% cùng kỳ năm trước khi chỉ đón được 3,89 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 964.000 lượt khách, giảm 58,2% cùng kỳ, lượng khách du lịch nội địa cũng sụt giảm mạnh mẽ chỉ đạt khoảng 2,92 triệu lượt khách, giảm 59,5% cùng kỳ 2019. Lượng khách du lịch giảm khiến tổng thu ngành du lịch Hà Nội chỉ đạt 15.830 tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước (tương đương giảm 17.981 tỷ đồng).
 Khách hàng xem sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Thanh Hải
Phân tích nguyên nhân khiến lượng khách du lịch giảm sút mạnh mẽ, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải nêu rõ: Từ đầu tháng 3, sau khi Hà Nội phát hiện ca dương tính Covid-19, Chính phủ đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày và thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1 - 22/4/2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động lữ hành, khách sạn và vận chuyển du lịch trên địa bàn TP Hà Nội. “Lượng khách du lịch giảm sút đã khiến 1.200 cơ sở lưu trú và 1.364 DN lữ hành ngừng hoạt động, dẫn đến 35.000 lao động không có việc làm” - ông Hải nói.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dự báo: Thời gian tới ngành du lịch Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt việc lượng khách quốc tế tiếp tục sụt giảm do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên nhiều nước trên thế giới, tiếp tục thực hiện việc phong tỏa, đóng cửa biên giới. Thêm vào đó, mặc dù Việt Nam mặc dù đã nới lỏng giãn cách xã hội nhưng đang tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn Covid-19 nên chưa sẵn sàng mở cửa cho du khách quốc tế đến Việt Nam. 
Giảm giá kích cầu thị trường nội địa
Để tăng trưởng lượng khách nội địa trong thời điểm hậu dịch Covid-19 các DN du lịch lữ hành, khách sạn Hà Nội đang tung hàng loạt gói kích cầu thị trường nội địa. Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Vietrantour Nguyễn Thị Huyền cho biết, từ 14/5, Vietrantour phối hợp với hàng không Bamboo Airways, hệ thống resort/hotel tại các điểm nghỉ dưỡng: Hà Nội - Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc tổ chức các tour du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày, giảm giá. Không chịu thua kém trong tháng 5, Công ty Du lịch Hanoi Redtou cũng ưu tiên giảm giá từ 30 - 35% so với mức giá thông thường các tour du lịch biển.
Tương tự nhằm khởi động cho mùa du lịch hè, Công ty Vietravel Hà Nội, Công ty Du lịch AZA Travel đưa ra bộ sản phẩm kích cầu nội địa được giảm giá 50% cho các tour du lịch trọn gói, đồng thời giới thiệu chùm tour chuyên đề "Mùa lúa chín" đưa khách tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Ninh Bình, Mai Châu.
Không chỉ DN du lịch mới tổ chức giảm giá tour để kích cầu thị trường nội địa mà hệ thống khách sạn Hà Nội với gần 61.000 buồng, phòng cũng chú trọng tới khách du lịch nội địa thông qua giảm giá từ 50 - 70% tiền thuê phòng.
Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù các khách sạn đã thực hiện giảm giá nhưng để thu hút khách thuê phòng, khách sạn cần liên kết với DN lữ hành để thực hiện những sản phẩm du lịch trọn gói, với mức chi phí thấp. Về vấn đề này, Giám đốc khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng, các đơn vị cần nâng cao tính chuyên nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phát triển du lịch hội thảo (MICE). Đại diện khách sạn Movenpick Hà Nội Nguyễn Bích Vân chia sẻ: Hiện khách sạn Movenpick Hà Nội đang đẩy mạnh kinh doanh ẩm thực, với thực đơn hấp dẫn, mức giá hợp lý, qua đó thu hút du khách sử dụng hệ thống nhà hàng của khách sạn.
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy để “hút” khách du lịch nội địa, ngành du lịch Thủ đô kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành cùng cam kết giảm giá, dành ưu đãi cho du khách; đồng thời liên kết với các tỉnh, thành triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa để tạo công ăn việc làm và tái khởi động phục hồi ngành du lịch.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù 
Ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ đón khoảng 10 - 11 triệu lượt khách du lịch nội địa, để đạt được con số này bên cạnh việc tổ chức giảm giá, đòi hỏi du lịch Hà Nội có những sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng của Hà Nội.
 Du khách đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Duy Khánh
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Hà Nội có 1.300 làng nghề thủ công truyền thống, đó là lợi thế lớn để Hà Nội phát triển sản phẩm du lịch làng nghề kiểu mẫu hoặc điểm đến du lịch làng nghề truyền thống để các làng nghề có thể phát huy tiềm năng, lợi thế của mình gắn với phát triển du lịch.
“Làng gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc đang được UBND TP Hà Nội chọn làm mô hình điểm, sau khi hoàn thành, 2 làng nghề này sẽ tạo điểm nhấn cho loại hình du lịch làng nghề Hà Nội phát triển, thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương” - ông Hiếu chia sẻ.
Bên cạnh việc phát triển du lịch làng nghề, TP Hà Nội còn tập trung vào du lịch văn hóa, vận động các DN xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm cũ. Trong đó, ngành du lịch sẽ tập trung vào 2 huyện trọng điểm Mỹ Đức, Ba Vì là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống.
Cụ thể Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Mỹ Đức tìm giải pháp đổi mới hoạt động du lịch để thu hút khách đến với lễ hội chùa Hương quanh năm, chứ không tập trung vào mùa Xuân như trước. Tại huyện Ba Vì, khu vực núi tổ Ba Vì thờ Thánh Tản Viên chưa khai thác hết tiềm năng, có thể khai thác, kích cầu du lịch nội địa bên cạnh các sản phẩm sẵn có.
Nhằm quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa, thu hút khách du lịch tới Hà Nội, từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch như: Lễ hội văn hóa dân gian đương đại tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội và các tỉnh, thành 3 miền Bắc - Trung - Nam và quốc tế; Liên hoan du lịch làng nghề - phố nghề Hà Nội 2020...
Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ tổ chức các đoàn khảo sát với thành phần chính là các DN lữ hành Hà Nội và các DN lữ hành Việt Nam để tìm hiểu lại thị trường, xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch tại Hà Nội và xây dựng sản phẩm liên kết với các địa phương trọng điểm về du lịch trong cả nước.
Hiện nay, mong muốn lớn nhất của những người làm du lịch là thị trường du lịch được phục hồi. Trong thời gian trước mắt, cả cơ quan quản lý và DN kinh doanh du lịch đang cùng nhau chia sẻ, nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nhằm quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa, thu hút khách du lịch tới Hà Nội, từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch như: Lễ hội văn hóa dân gian đương đại tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội và các tỉnh, thành 3 miền Bắc - Trung - Nam và quốc tế; Liên hoan du lịch làng nghề - phố nghề Hà Nội 2020...


Xây dựng các tour du lịch mới

"Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất UBND TP một số biện pháp hỗ trợ DN du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn bị thiệt hại do dịch Covid-19. Ngoài ra, để thu hút khách và giữ chân khách du lịch ở Hà Nội lâu hơn, lưu trú dài hơn, sử dụng nhiều dịch vụ hơn, DN du lịch, khách sạn cần đẩy mạnh liên kết qua đó giảm giá dịch vụ, xây dựng tour du lịch mới, nâng cấp chất lượng các tour du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống." - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải


Kích cầu hướng tới kéo dài thời gian lưu trú

"Trong khi thị trường quốc tế bế tắc thì thị trường nội địa là “lối thoát” và Chương trình kích cầu nội địa toàn quốc là hết sức quan trọng để khôi phục du lịch. Thời điểm này, việc kích cầu nên hướng tới kéo dài thời gian lưu trú của khách tại một điểm, tập trung vào các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, sinh thái, khám phá, văn hóa, lịch sử, ẩm thực…" - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ


Các làng nghề xây dựng sản phẩm chất lượng cao

"Các làng nghề truyền thống của Hà Nội đã có nhiều đóng góp xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng của Thủ đô. Thời gian tới, các làng nghề cần xây dựng nhiều sản phẩm chất lượng cao, rõ tính đặc trưng để sẵn sàng phục vụ cho cả du khách trong và ngoài nước, để sản phẩm du lịch làng nghề Hà Nội có chỗ đứng vững chắc trong tương lai." - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng

Chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn

"Các DN lữ hành là những DN bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình dịch bệnh Covid-19. Chương trình kích cầu du lịch với mục tiêu khôi phục thị trường du lịch là “cứu tinh” của các DN lữ hành thời kỳ hậu Covid-19. Tuy nhiên thực tế cho thấy một bộ phận khách hàng vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh Covid-19 nên xu hướng du lịch hiện nay chủ yếu là cá nhân, đi theo nhóm hoặc gia đình, ít theo đoàn công ty hay du lịch MICE... Do đó, các DN du lịch cần truyền thông mạnh mẽ để du khách vượt qua tâm lý lo sợ này, qua đó thu hút khách hàng sử dụng tour du lịch. Bên cạnh đó, các DN, đơn vị du lịch cần làm mới các tour du lịch truyền thống theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời tung ra những sản phẩm mới hấp dẫn như các tour thiền định, du lịch khám phá thiên nhiên, làng nghề... qua đó kéo khách đi du lịch trong nước.

Có thể nói du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi toàn ngành đều phải vào cuộc kích cầu theo hướng địa phương - điểm đến - DN cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân hạn chế chi tiêu." - Giám đốc Công ty Du lịch Sun Smile Travel Vietnam Dương Thanh Hằng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần