Hà Nội đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo đột phá

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh giá của Thành ủy Hà Nội, trong cả nhiệm kỳ 2016 - 2020, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng và đạt mức khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của cả nước; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện.

Chuyển biến tích cực
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ TP xây dựng 8 chương trình công tác toàn khóa. Trong đó, Chương trình 03-CTr/TU là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững và nhiều nghị quyết, đề án, chuyên đề về cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy, TP đã ban hành Kế hoạch hành động. Trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại DN Nhà nước (DNNN); Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; Tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ theo hướng cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp: Phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu…
 Sản xuất các linh, phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam, Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam
Cụ thể, TP chỉ đạo quyết liệt công tác cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đã chuyển sang công ty cổ phần 56/56 DNNN theo kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015. Sau khi chuyển sang công ty cổ phần, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP tiếp tục thực hiện các bước trong quy trình cổ phần hóa để hoàn thành quyết toán hậu cổ phần, chính thức bàn giao DNNN sang công ty cổ phần…

Đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 27% năm 2015 lên 46,59% năm 2020. Nhiều dự án, công trình trọng điểm hoàn thành theo kế hoạch góp phần phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị.

Về cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp, TP đã ban hành và tổ chức triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025; Ban hành "Quy định về trình tự, thủ tục, tham gia, đánh giá, xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội"; Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh các ngành dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Hàng năm, TP đều xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn.

Kết quả, liên tục tăng trưởng đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3 - 7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng chiều sâu, năng suất và hiệu quả. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp gần 46% tăng trưởng GRDP, cao hơn cả nước (45,2%). Năng suất lao động năm 2020 ước đạt 251,4 triệu đồng (giá hiện hành), gấp 1,65 lần bình quân cả nước; tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,14%.

Cơ cấu theo các ngành kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giá trị gia tăng các ngành dịch vụ trung bình 5 năm 2016 - 2020 đạt 6,43%, là khu vực có đóng góp lớn nhất vào gia tăng GRDP của TP. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 9,0%/năm, cao hơn 1,7 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã trở thành khu vực có đóng góp lớn nhất trong GRDP, với tỷ trọng đóng góp được nâng dần từ 37,50% năm 2015 lên 38,99% năm 2019. DN mới thành lập tăng cả về số lượng và vốn đăng ký. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả vượt bậc. 5 năm 2016 - 2020, Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD vốn FDI; lũy kế 6.278 dự án FDI còn hiện lực, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD, vốn giải ngân đạt trên 28,5 tỷ USD...

Cũng trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Hà Nội chú trọng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (năm 2019 đạt gần 300.000 tỷ đồng), với 16.000 DN công nghệ thông tin trên địa bàn và có 2 trên tổng số 5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước.

Xây dựng Hà Nội phát triển bền vững

Quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả tích cực song Hà Nội cũng xác định những mặt chưa được. Đó là: Công nghiệp hỗ trợ quy mô còn nhỏ (khoảng 25% tổng GTSX công nghiệp trên địa bàn). Phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chậm; một số huyện chưa có khu, cụm công nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng các khu này còn vướng mắc (nhà đầu tư xây dựng phải đấu thầu dự án có sử dụng đất); giá thuê đất sản xuất trên địa bàn TP cao hơn các địa phương lân cận… Các cơ sở kinh doanh dịch vụ phát triển còn chưa đồng đều. Trên địa bàn, nhiều huyện hiện nay còn chưa có trung tâm thương mại, siêu thị; nhiều xã chưa có chợ, các chính sách xã hội hóa thu hút đầu tư chưa đem lại hiệu quả mong muốn…

Theo Chương trình hành động, Hà Nội xác định chỉ tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 – 2025 từ 7,5 - 8,0%; đến năm 2025 phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt từ 8.300 - 8.500 USD. Đến năm 2030, GRDP/người đạt từ 12.000 - 13.000 USD. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ từ 65,0 - 65,5%; Công nghiệp và xây dựng từ 22,5 - 23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4% đến 1,6%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm từ 10,4% đến 10,6%.

Ba khâu đột phá cũng được xác định là: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...; Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô…

Về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, TP sẽ tập trung triển khai hiệu quả chủ đề năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị…
Bên cạnh đó, TP tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai hiệu quả chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực. Cùng với đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư, của DN. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và vận hành và quản lý dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tận dụng tốt thời cơ đến từ xu hướng kinh tế số, xã hội số và các hình thái kinh tế mới.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, chung sức của cộng đồng DN, người dân, Hà Nội tiếp tục phát triển kinh tế ổn định, đảm bảo cuộc sống của Nhân dân. Qua đó, tạo tiền đề để bước vào năm 2021 với nhiều sự kiện chính trị quan trọng, xây dựng TP ngày càng phát triển bền vững về mọi mặt.

Trong nhiệm kỳ qua, cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và DN. Mức độ hài lòng của người dân và DN trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công được cải thiện. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cam kết hội nhập… Năm 2021, TP đề ra 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021, trong đó kịch bản 1 được coi là kịch bản cơ sở, tăng 7,5%; kịch bản 2 tăng 8%; kịch bản 3 tăng 7%.