Hà Nội đối thoại với hơn 200 doanh nghiệp nợ bảo hiểm lớn

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì Hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với hơn 200 đơn vị nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn TP.

Theo thống kê của BHXH Hà Nội, đến ngày 30/4/2019 có 37.557 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN với 559.629 lao động. Số tiền nợ phải tính lãi là 2.084,9 tỷ đồng, tăng 1.105,1 tỷ đồng so với tháng 12/2018.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì hội nghị. Ảnh: Hà Ngân
Công ty CP Lilama 3 (Lô 24 - 25, Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) là đơn vị có số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lớn nhất TP với số tiền 33,1 tỷ đồng (nợ 71 tháng). Đại diện Công ty Lilama 3 cho hay, số tiền nợ BHXH phát sinh từ năm 2011 khi DN tham gia vào các dự án trọng điểm của Chính phủ. Trong số 33 tỷ đồng nợ BHXH của Lilama 3 có tới gần một nửa là tiền lãi.
Hiện, DN đang trong quá trình tái cơ cấu, từng bước khắc phục khó khăn. Tổng số tiền nợ đọng của DN cần thu hồi gần 60 tỷ nên DN cam kết sẽ thanh toán BHXH trong thời gian sớm nhất có thể.
Đại diện Công ty CP khảo sát thiết kế công trình (phường Phúc La, quận Hà Đông) chia sẻ, trong số 216 DN được triệu tập đến hội nghị lần này phần lớn là các DN trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và đại đa số DN gặp khó khăn là do chậm vốn Nhà nước.
Đại diện Công ty CP Coma 18 (quận Hà Đông) đang nợ BHXH 2,6 tỷ cho biết, trong thời gian nợ BHXH công ty thực hiện một số dự án như gang thép Thái Nguyên, Fomusa… nhưng vẫn còn khoảng 39 tỷ chưa thu hồi được nợ. Hiện DN đã thoái vốn nhà nước chuyển sang DN tư nhân. Sau tái cơ cấu hiện DN chỉ 51 NLĐ.
“DN phải tách khoản đóng BHYT để tại điều kiện cho NLĐ. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước khoanh lãi, không tính lãi chồng lãi khoản nợ, có lộ trình hoạt động. Cần sự hỗ trợ tạo điều kiện cho DN tháo gỡ dần dần thay vì tạo áp lực liên tục bằng cách tính lãi” - đại diện Coma 18 kiến nghị. Đây cũng là mong muốn của các DN có số nợ BHXH lớn tham dự hội nghị lần này.
Các DN tham gia hội  nghị. Ảnh: Hà Ngân
Về vấn đề này, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, cách tính lãi nợ BHXH từ 2016 đã có sự thay đổi, chỉ tính số nợ năm trước mang sang năm sau để tính lãi, không còn tình trạng lãi chồng lãi. Mức tính như thế nào là do Chính phủ quy định, không phải do cơ quan BHXH quyết định. Khi NLĐ xin chốt sổ nghỉ việc sẽ ưu tiên đóng số thực trước, số lãi sau.

Bên cạnh đó, theo Điều 93, Luật BHXH quy định cơ quan BHXH chỉ thực hiện các chính sách BHXH, không có thẩm quyền trong việc khoanh lãi nợ BHXH. Hiện cũng không có quy định nào của pháp luật chấp nhận vấn đề này nên cơ quan BHXH không thể thực hiện được vấn đề này.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý ghi nhận ý kiến đề xuất của các DN. Đồng thời yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã rà soát lại từng DN, tập hợp các khó khăn vướng mắc đề báo cáo lên TP, BHXH Việt Nam các bộ ban ngành T.Ư để tìm phương án xử lý. Các sở, ban, ngành cố gắng giải quyết dứt điểm các khoản nợ công trình vốn nhà nước cho các DN trong thời gian sớm nhất, giảm bớt khó khăn cho DN.