Hà Nội: Dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh

D. Tùng - Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/2/2021, tại trụ sở UBND TP, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp phiên thứ 87 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Hà Nội có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới ngoài cộng đồng

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội trong các ngày 7-8/2 ghi nhận 4 ca mắc mới, cụ thể: BN 2009 N.T.K.A, nữ, 28 tuổi, địa chỉ tại tòa nhà Garden Hill, 99 Trần Bình, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Bệnh nhân là F1 của BN 1722 (P.T.B.N, tại Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm), F2 của BN 1694 (N.Q.M, Nhà máy Z153). Đến nay, đã xác minh được 4 trường hợp F1 (đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm).

Kết quả xét nghiệm 2 dương tính, cụ thể: Bệnh nhân N. B. B., nữ, sinh năm 2020. Bệnh nhân là F1 (con gái) của BN 2009. Hiện đang tiếp tục điều tra các trường hợp có liên quan.

 Quang cảnh phiên họp

Bệnh nhân H.T.N, nữ, sinh năm 1971. Bệnh nhân là F1 (người giúp việc của BN 2009. Hiện đang tiếp tục điều tra các trường hợp có liên quan.

Bệnh nhân T.C.D, nam, 46 tuổi, địa chỉ tại Đốc Ngữ, Vĩnh Phúc, Ba Đình. Bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính tại Gia Lai ngày 28/1/2021. Sau khi về Hà Nội, bệnh nhân cách ly và lấy mẫu xét nghiệm tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 lần 1 (30/1/2021), lần 2 (4/2/2021) đều âm tính; ngày 6/2/2021 bệnh nhân sốt 37,9°C, ngày 7/2/2021 lấy mẫu xét nghiệm lần 3 kết quả dương tính. Đến nay, đã xác minh được 4 trường hợp F1, kết quả xét nghiệm âm tính.

Các đơn vị y tế đã khẩn trương điều tra, khoanh vùng xử lý dịch, phun khử trùng tại tất cả các địa điểm có liên quan tới ca bệnh.

Lũy tích giai đoạn 4 (từ ngày 27/1/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc tại cộng đồng, trong đó: Số ca mắc theo quận, huyện Nam Từ Liêm (13); Đông Anh (4); Cầu Giấy (4); Mê Linh (2); Hai Bà Trưng (2); Đống Đa (1); Ba Đình (1).

Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, số mắc và tử vong không ngừng tăng lên. Trung bình một ngày thế giới ghi nhận hơn 400 nghìn trường hợp mắc và gần 12 nghìn trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca mắc tại Hải Dương và Quảng Ninh, từ các ổ dịch này đã tiếp tục lan ra các tỉnh thành phố khác. Bên cạnh đó qua xét nghiệm sàng lọc cho thấy một số khu vực nguy cơ (như sân bay Tân Sơn Nhất) đã xuất hiện những ca mắc nhưng không có triệu chứng và không rõ nguồn lây, đây chính là mối quan ngại lớn cho cộng đồng.

Tại Hà Nội trong những ngày vừa qua tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc mới ngoài cộng đồng, các ca mắc này đều xác định được nguồn lây và có nguồn gốc liên quan tới hai ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh.

Thực trạng hiện vẫn còn một số ít người là F1 của bệnh nhân đã xác định nhưng không tự khai báo kịp thời (như trường hợp BN 2009 mới ghi nhận) nên gây khó khăn cho việc truy vết, cách ly; những người này lại tiếp tục đi lại nhiều nơi tiếp xúc với người khác nên tiếp tục có nguy cơ lây nhiễm cho những người tiếp xúc. Vì vậy theo nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới ngoài cộng đồng trên địa bàn TP.

Phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu

Ban chỉ đạo yêu cầu, thời gian tới, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc TP; UBND các quận, huyện, thị xã phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời gian tới. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy và UBND TP. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện. Đặc biệt người dân phải tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế, khi thuộc diện F1, F2 hoặc các đối tượng có liên quan khác cần phải chủ động khai báo kịp thời để được cách ly, lấy mẫu theo quy định. Khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi... phải đến ngay cơ sở y tế để được hưởng dẫn và khám, điều trị kịp thời.

Dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người chưa cần thiết. Không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân; thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Hạn chế sự đi lại trong dịp Tết, các nhà xe, chủ các phương tiện giao thông công cộng phải thực hiện việc ghi chép đầy đủ thông tin hành khách di chuyển trên các tuyển liên tỉnh đặc biệt là hành khách đi và đến từ các tỉnh thành đang có dịch bệnh ngoài cộng đồng để khi cần thiết có thể truy vết kịp thời.

Tăng cường công tác giám sát dịch, trước mắt sẽ tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại các khu vực có nguy cơ (ví dụ như Sân bay Quốc tế Nội Bài).

Khi phát hiện các ca mắc mới cần triển khai kịp thời công tác cách ly, bao vây khoanh vùng xử lý ổ dịch và địa điểm liên quan. Đồng thời, tổ chức truy vết “thần tốc”, xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong thời gian ngắn nhất.

Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Đặc biệt là việc không đeo khẩu trang và việc không khai báo y tế hoặc khai báo không đầy đủ gây khó khăn cho việc điều tra truy vết.

Các đơn vị trong ngành Y tế, các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực 24/24 trong các ngày nghỉ Tết để sẵn sàng triển khai các hoạt động phòng chống dịch khi có phát sinh.